Xác định chương trình OCOP là bước đi quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, huyện Ninh Phước đã tập trung vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa những sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong các HTX, DN, hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ theo chuỗi giá trị có lợi thế ở địa phương. Đồng thời, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP; thường xuyên đẩy mạnh tuyền truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Qua đó, các chủ thể nhận thấy được lợi ích, hiệu quả của việc phát triển các sản phẩm OCOP và tích cực tham gia.
Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Ninh Phước trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể năm 2024.
Năm 2024, cơ sở sản xuất bánh tráng của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Bích Phương, xã Phước Sơn đã đầu tư máy móc để chế biến sản phẩm tham gia chương trình OCOP với 1 sản phẩm bánh tráng gạo, được Hội đồng đánh giá sản phẩm huyện chấm đạt 3 sao. Chị Nguyễn Thị Bích Phương chủ cơ sở sản xuất cho biết: Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn trong việc hỗ trợ thực hiện các tiêu chí, thiết kế mẫu mã đã giúp cơ sở hoàn thiện sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Thông qua việc xây dựng sản phẩm OCOP, tôi mong muốn nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm bánh tráng gạo và các sản phẩm bánh tráng khác để cung ứng cho thị trường sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là cơ hội để cơ sở quảng bá sản phẩm, tiếp cận được lượng khách hàng trong thời gian đến.
Tương tự, để xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, phát huy thế mạnh của địa phương, năm 2023, HTX Phước Vinh 59 đã đưa sản phẩm táo sấy dẻo, táo tươi, măng tây tươi tham gia sản phẩm OCOP và được Hội đồng OCOP huyện công nhận 3 sao. Chị Nguyễn Thị Hồng Phấn, Giám đốc HTX Phước Vinh 59 cho biết: Việc sản phẩm được cấp huyện đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao có ý nghĩa thiết thực với cơ sở kinh doanh trong việc khẳng định giá trị sản phẩm, tạo động lực cho HTX đẩy mạnh sản xuất, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp khách hàng có thể tiếp cận với sản phẩm của HTX nhiều hơn. Nên sau khi được công nhận, HTX đã đầu tư phát triển các sản phẩm đạt chuẩn OCOP để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Cùng với đó, HTX tích cực vận động các thành viên xây dựng mã số vùng trồng nhằm tiếp cận các quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, an toàn theo tiêu chí của OCOP. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm mang nét đặc trưng của địa phương đến tay người tiêu dùng.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong quá trình hỗ trợ các tiêu chí, xét chọn ý tưởng, thẩm định phương án sản xuất, kinh doanh, đến nay huyện Ninh phước đã có 46 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, có 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao (giai đoạn 2022-2024); 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (giai đoạn 2020-2021) đã hết hạn, nhưng hiện nay địa phương đang vận động các chủ thể tham gia đăng ký lại các sản phẩm đã được công nhận.
Đồng chí Đàng Năng Tom, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Việc phát triển chương trình OCOP trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã giúp các chủ thể thay đổi phương pháp tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các kênh quảng bá giúp mở rộng thị trường, tạo cơ hội để người dân địa phương tham gia chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh. Thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình OCOP. Tập trung củng cố và hỗ trợ đổi mới phương thức hoạt động của các HTX, DN, hộ gia đình; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ, các quy trình sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản nông dân. Chú trọng duy trì, nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được công nhận để khẳng định chất lượng, giá trị và thương hiệu sản phẩm. Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện chương trình OCOP, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ chương trình OCOP cho các chủ thể như: Hỗ trợ điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP; xây dựng trang giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử để truy xuất nguồn gốc, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh... Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng tầm giá trị, góp phần phát huy thế mạnh các sản phẩm OCOP của huyện.
Tiến Mạnh