Về lại trường xưa

(NTO) Kính nhớ thầy Trần Đình Xuân, giáo viên bộ môn Địa lý của Trường CĐSP Ninh Thuận, nay đã nghỉ hưu

Mưa… mưa và mưa, những đợt mưa cuối mùa thường không dai dẳng như trước, song bầu trời luôn u ám một màu xám đục, tạo cho lòng người cảm giác nao nao khi lần về những ký ức ngày xưa. Sau hơn mười năm tôi trở lại trường đúng vào một buổi chiều mùa thu hơi se lạnh, lòng bồi hồi đầy xúc cảm như chính buổi đầu tiên cắp sách đến trường. Vẫn còn đây mái tường rêu cổ kính, vẫn hàng cây im lìm cao vút vươn mình hứng những hạt mưa bé nhỏ cuối mùa thu. Ôi! Cây phượng buồn năm xưa tôi và bạn bè đã chia tay nhau vào mùa hạ cuối, giờ đây đứng lặng thầm, những cánh hoa cuối cùng còn sót lại rơi rụng xuống góc sân.

Thầy Trần Đình Xuân (bên trái) và tác giả tại nhà riêng của Thầy
số 494 đường 21 Tháng 8 Tp. Phan Rang- Tháp Chàm

Thấp thoáng, ẩn hiện sau những hàng cây là giảng đường mà tôi cùng bạn bè sớm chiều lên lớp. Bất chợt, tôi miên man để những thước phim chầm chậm quay về:…Thầy tôi, tóc đã bạc trắng vừa là giáo viên chủ nhiệm đồng thời giảng dạy bộ môn Địa lý K.20 (niên khóa 1996-1999) của chúng tôi. Thầy thường đùa vui rằng: “Các con hãy cố gắng nhiều hơn trong học tập, sau khóa học này là thầy đã nghỉ hưu rồi, tóc bạc quá còn đi dạy nữa là người ta tưởng mình đã tám, chín mươi tuổi,”…cả lớp cười vui vẻ sau từng câu nói đùa như để xua tan những cảm giác mệt mỏi của tiết học cuối ngày đầy căng thẳng.

Ngày đó, tuy tóc đã bạc song da dẻ thầy vẫn luôn hồng hào, đặc biệt là phong thái đi lại vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Thầy bảo: “Phong cách của một nhà sư phạm luôn phải được đặt lên hàng đầu, dù có thiếu cơm, áo, gạo, tiền song nhà sư phạm tuyệt đối không được để nghèo về tri thức”. Thầy dạy chúng tôi bao lẽ sống ở đời, những kinh nghiệm của nghề dạy học: “ Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, “bởi lẽ đó ngay từ hôm nay các con phải cố gắng học thật nhiều để xứng đáng với nghề cao quý ấy”. Lúc bấy giờ, thầy lớn tuổi nhất so với thầy cô trong trường, cộng thêm với mái tóc đã bạc trắng nên chúng tôi thường xưng hô với thầy là con, lâu dần thành quen và có cảm giác tình cảm thầy trò dường như được nâng cao lên gấp bội.

Còn nhớ, những lúc giao mùa trời trở gió, tôi sốt cao không thể lên giảng đường, thầy lại vội vàng sắp xếp công việc để qua ký túc xá thăm tôi. Đây có lẽ là bài học sâu sắc nhất mà tôi đã được học ở thầy, sự quan tâm đến người khác, lấy tình thương để thay cho phương pháp giáo dục, thầy sống rất nghiêm khắc nhưng tình cảm thì dạt dào như trời biển. Nhờ đó mà lúc ra trường công tác tôi đã thành công trong việc giáo dục những học sinh chậm tiến, chưa ngoan, lấy tình thương để cảm hóa lòng người. Thầy bảo: “Hãy luôn có một tấm lòng rộng mở, đừng tuyệt đường ai cả, luôn để cho người khác có một cơ hội làm người”. Bởi lẽ, đối với một đời người “khi cánh cổng trường khép lại thì cánh cửa nhà tù ắt sẽ mở ra”. Bài học đó trong tâm trí chúng con không bao giờ phai nhạt.

Bởi là dân chuyên khoa Địa lý nên tham quan, dã ngoại là việc học tập thường xuyên hàng năm của chúng tôi. Chuyến đi Đà Lạt vào năm học thứ hai là một kỷ niệm đáng nhớ. Thầy luôn quan tâm và nhắc nhở công tác chuẩn bị trước một chuyến đi xa, vì tôi là lớp trưởng nên được thầy căn dặn đủ điều, nào là nhắc các bạn chuẩn bị áo ấm, tư trang đồ dùng cá nhân, sách, vở, bút, mực, tài liệu cho việc viết bài thu hoạch,…Thầy nói: “Bất kỳ mọi công việc ở bất cứ lĩnh vực nào, công tác chuẩn bị kỹ càng bao nhiêu thì tỉ lệ thành công cao bấy nhiêu và hơn nữa là nó thể hiện rõ phong cách của một con người”. Một lần nữa chúng tôi lại nhận được những bài học sâu sắc từ thầy.

Tôi miên man đi dọc cuối hành lang, phòng học lớp tôi ngày nào vẫn còn nguyên đó, từng dãy bàn ghế, từng chỗ ngồi rất đỗi thân quen vẫn còn in dấu bụi trần. Lòng tôi se sắt khi tiếng ho của thầy như nghẹn lại vào giờ học cuối, ngày đó thật sự tôi chưa hiểu lý do gì, vì cỗ máy thời gian? Vì bụi phấn? Hay tại chúng tôi nên thầy mới nhọc nhằn?...Giờ đây, sau nhiều năm công tác tôi như vỡ òa rằng: Vì nỗi niềm trăn trở, lo lắng cho chúng tôi nên thầy đã vắt kiệt sức mình cho cả một thế hệ trồng người.

Tôi bỗng giật mình khi những tiếng chim ríu rít vui đùa trong gió thu xào xạc trên những cành cây. Thấm thoắt đã hơn mười năm có lẻ, vậy mà tôi ghé thăm thầy chỉ mới được một, đôi lần. Vì xa xôi? Vì công việc? Hay vì bon chen với cơm, áo gạo, tiền?...mà chúng tôi chưa đến thăm thầy được nhiều hơn. Thầy ơi! Chúng con thành thật xin lỗi.

Ngoài kia mưa đã tạnh từ lâu, song những cơn mưa trong lòng lại xối xả, dâng trào, mãnh liệt. Tôi nén tiếng nấc nghẹn ngào, nghe mặn đắng bờ môi.