Ngày ấy tôi là một nữ sinh thực tập, sung sướng hơn là được về lại mái Trường THPT Nguyễn Trãi thân thương của mình. Trường tôi khi ấy không khác nhiều so với những năm tháng tôi còn học là mấy. Vẫn còn đó những dãy phòng học cũ, vẫn hàng cây dương rì rào, vẫn gốc phượng già… Nhưng cảm giác là lạ cứ trào dâng trong tôi. Lạ vì giờ đây tôi trở lại trường trong một vị thế mới: tôi sắp trở thành đồng nghiệp với những thầy cô dạy mình năm nào. Cảm giác ấy cứ làm tôi hồi hộp, vừa sung sướng, hãnh diện, vừa phấp phỏng lo âu. Trước những học sinh ở lớp thực tập, tôi cũng thấy mình "lớn thêm" một chút. Nhưng trước thầy cô cũ, tôi vẫn là một đứa học trò "bé con" non nớt ngày nào.
Trong những ngày tháng mới chập chững vào nghề ấy, tôi đã gặp cô. Khi ấy, tôi là nhóm trưởng của nhóm thực tập, được cô trực tiếp hướng dẫn. Lẽ dĩ nhiên theo lý thuyết được trang bị ở trường Đại học, điều đầu tiên là chúng tôi phải tìm hiểu lịch sử của ngôi trường mà mình đến thực tập. Khỏi phải nói, tôi rất tự tin về khoản này vì tôi là "cựu" học sinh của trường mà. Nhưng chính sự tự tin quá mức ấy đã khiến tôi gặp sự cố ngay ở tiết lên lớp đầu tiên.
Cô có dáng người thanh mảnh, nhỏ gọn trong bộ áo dài thướt tha. Cái gì ở cô cũng nhẹ nhàng: từ dáng đi, cử chỉ, giọng nói. Đến cả cái tên của cô cũng thế: Lê Thị Tân Phương. Ấn tượng đầu tiên là sự thân thiện của cô đối với chúng tôi. Đó là cái thân thiện tự nhiên sẵn có, cô tạo cho chúng tôi tâm thế rất thoải mái khi làm việc. Sau bốn năm tiếp thu nhiều lý thuyết sách vở ở giảng đường, giờ là lần đầu tiên chúng tôi biết đến những loại hồ sơ của một giáo viên. Cô tận tình hướng dẫn cho chúng tôi cách lập hồ sơ cá nhân, từ kế hoạch dạy học, kế hoạch chủ nhiệm theo từng tuần, từng chủ điểm đến cách thiết kế một giáo án cho phù hợp với đặc trưng của từng phân môn. Tuần đầu tiên trôi qua khá thuận lợi, đến tuần thứ hai chúng tôi bắt đầu được dự giờ để học hỏi kinh nghiệm từ người hướng dẫn tập sự của mình.... Cô thắp lên trong chúng tôi nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề và nhất là sự tận tụy với học sinh. Cô thường tâm sự: nghề dạy học là nghề cao quý trong những nghề cao quý, môn Ngữ văn lại là môn học vô cùng quan trọng vì nó không chỉ dạy chữ mà còn gắn với việc dạy người... trong một tiết dạy, giáo viên Ngữ văn không chỉ khơi thông kiến thức mà còn bồi đắp tâm hồn cho học sinh...
Tuần thứ ba, chúng tôi nghĩ rằng đã hiểu hết ý của cô, chúng tôi hăng hái thiết lập giáo án, chúng tôi tràn trề hy vọng mình cũng sẽ dễ dàng trở thành một giáo viên giảng văn hay, chúng tôi ôm ấp lý tưởng rằng "không có việc gì khó..." chỉ cần soạn bài cho chu đáo, cung cấp thật nhiều kiến thức cho học sinh là tiết dạy sẽ thành công. Nhưng chúng tôi quá tham kiến thức, quá dàn trải để rồi một bạn đồng môn với tôi khi dạy thử tiết đầu tiên đã bị "cháy" giáo án. Trống hết giờ vang lên mà cậu ấy vẫn chưa cung cấp xong kiến thức của phần "Tác giả". Rồi việc gì đến cũng phải đến, sau tiết dạy của bạn là tới tiết dạy của tôi. Có lẽ ai cũng chuẩn bị rất rất nhiều cho "ngày trọng đại" lần đầu tiên bước lên bục giảng. Tôi thức suốt ba đêm liền, chỉnh đi chỉnh lại giáo án nhiều lần cho thật vừa ý, học thật thuộc lòng bài soạn, chuẩn bị bộ áo dài đẹp nhất để tự tin khi lên lớp. Cô vẫn theo sát nhắc nhở chúng tôi phải biết phân phối thời gian sao cho hợp lý giữa các phần, các khâu lên lớp, tuyệt đối không dạy sai kiến thức vì đó là điều tối kỵ của giáo viên. Rút kinh nghiệm từ tiết dạy của bạn, tổng hợp lại bao nhiêu "bí quyết" có được từ cô, tôi đầy tự tin trong bước lên lớp đầu tiên: chào học sinh, hỏi sĩ số, kiểm tra việc soạn bài của trò, dẫn dắt lời vào bài thật hay rồi bắt đầu ghi tên bài. Nhưng vì tôi đã quá tự tin mình chuẩn bị đã chu đáo, quá tự hào vì mình là học trò cũ của trường, quá thuộc lòng phần tiểu sử của thi hào Nguyễn Trãi khi tìm hiểu về tên trường... nên tôi đã giảng sai kiến thức. Bài học hôm ấy là "Tác giả Nguyễn Du" mà tôi cứ giảng say sưa về nhà thơ Nguyễn Trãi. Nhưng thật đáng trách hơn là lúc thì tôi lại nói về Nguyễn Du, lúc lại là Nguyễn Trãi, cứ lẫn lộn như kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Đến khi một học sinh ngập ngừng giơ tay ý kiến: "Cô ơi, sai rồi..." thì tôi mới giật mình, luống cuống. Tình huống ấy không biết xử lý thế nào cho ổn, tôi rưng rưng nước mắt, bất lực, im lặng... Khi ấy, cô từ hàng ghế dự giờ dưới cuối lớp bước lên, vỗ vai động viên tôi và quay về phía lớp "cứu" tôi một bàn thua, lật ngược tình huống: "Cô giáo đang thử kiến thức của cả lớp đó mà, cô giáo đang so sánh giữa hai tác giả...".
Sự cố ấy đến giờ tôi vẫn không thể nào quên. Nó vẫn nằm sâu trong ký ức của tôi mà ngoài cô Phương, tôi và học sinh trong lớp học hôm ấy ra thì không có ai biết đến. Giờ đây, đã hơn mười năm trôi qua, nó vẫn nhắc tôi không bao giờ được chủ quan trước mỗi tiết dạy. Nó rèn cho tôi tính cẩn trọng trong nghề bởi sự cẩu thả trong bất cứ nghề nghiệp nào cũng thật là đáng trách. Trước cô, cái tôi cá nhân trong "cô giáo sinh thực tập" nhỏ dần, nhỏ dần. Tôi nhận ra những gì mình có còn ít ỏi quá, tôi chỉ là một hạt cát trên sa mạc, một giọt nước giữa biển đời mênh mông. Sau này, tôi còn được cô tận tình góp ý trong đợt dự thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh mà cô là trưởng ban giám khảo. Sau mỗi lời góp ý chân thành từ cô, tôi gom góp được thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề dạy học. Tôi hiểu rằng người thầy lớn nhất của ta là người chỉ rõ cho ta thấy những thiếu sót.
Xin gửi đến cô ngàn lời tri ân chân thành nhất. Đối với tôi, cô giáo Tân Phương là người "trồng nghề" vĩ đại, người thầy lớn nhất chắp cánh cho tôi thực sự trưởng thành trong nghề nghiệp của mình. Dù đã là một đồng nghiệp với cô, nhưng trước cô tôi luôn thấy mình nhỏ bé, cần phải nỗ lực thật nhiều thì mới mong chạm đến được sự tuyệt mỹ của văn chương.
Phước Dân, ngày 1 tháng 11 năm 2013
Lê Thị Hải Ngân