Giữ cho âm thanh mã la vang mãi

(NTO) Mã la là nhạc cụ truyền thống độc đáo không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Raglai. Tuy nhiên, thế hệ trẻ người Raglai hiện nay không còn mặn mà với loại nhạc cụ được xem như là linh hồn của dân tộc mình, vì thế việc sử dụng mã la đang đứng trước nguy cơ mai một dần.

Trong năm học 2011-2012, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Ninh Thuận đã phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai thí điểm việc truyền dạy đánh mã la cho học sinh người dân tộc Raglai tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Pinăng Tắc (huyện Bác Ái). Thông qua đó vừa góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của người Raglai, vừa giúp cho các em học sinh hình thành nhân cách, đạo đức dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc.

 
Học sinh dân tộc Raglai say mê học đánh mã la.

Ban đầu, việc truyền dạy mã la trong trường học chưa được các em đón nhận một cách tích cực do các em vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của âm thanh mã la đối với văn hóa dân tộc mình. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, dưới sự dìu dắt tận tình của các nghệ nhân đánh mã la ở thôn Ma Oai (xã Phước Thắng), các em đã trở nên gắn bó và đam mê với nhạc cụ này. Không chỉ học cách đánh các bài hát, các em còn được giáo dục những giá trị đạo đức mà cha ông xưa gửi gắm trong từng làn điệu. Trong quá trình học, các nghệ nhân đã cho các em thực hành thực tế bằng việc làm nhà mồ, tổ chức một lễ hội bỏ mã y như thật để các em thể hiện khả năng của mình. Nhờ vậy, các em cảm nhận sâu hơn những giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ đó hình thành tình yêu với nhạc cụ mã la-vật thiêng của người Raglai. Quan trọng hơn, các em đã hiểu rằng, mình sẽ là người giữ cho âm thanh mã la vang mãi.

Đây là lần đầu tiên, một nét văn hóa thiêng liêng của đồng bào Raglai được đưa vào giảng dạy trong trường học. Thông qua mô hình thí điểm này đã hình thành được 3 đội đánh mã la với 21 em. Các em đã đánh được những bài mã la tiêu biểu thường được sử dụng trong hai lễ hội quan trọng của người Raglai là lễ bỏ mả và lễ ăn đầu lúa mới. Đây sẽ là những “hạt nhân” thay thế cho thế hệ cha ông truyền dạy cách đánh mã la cho con cháu mai sau. Từ 3 đội mã la nòng cốt này, số người trẻ tuổi biết đánh nhạc cụ truyền thống dân tộc đang ngày một tăng lên, không chỉ trong trường học mà cả trong từng bản làng. Đây chính là một tín hiệu đáng mừng cho thấy, tình yêu văn hóa dân tộc “tiềm ẩn” trong tâm hồn thế hệ trẻ Raglai đang dần được đánh thức.

Ông Mai Thắm, một nghệ nhân đánh mã la ở thôn Ma Oai, xã Phước Thắng bày tỏ: “Nhiều khi thấy bọn nhỏ chỉ thích nghe nhạc trẻ, không còn ai muốn nghe tiếng mã la nữa, nghĩ vậy nên buồn cái bụng lắm. Thế hệ già chúng tôi luôn băn khoăn vì sợ rồi đây âm thanh mã la không còn vang lên trong những buổi sinh hoạt cộng đồng của người Raglai nữa. Nhờ có sự hỗ trợ của mọi người, lớp trẻ đã quay lại và thích thú với nhạc cụ truyền thống này rồi. Sau này người Raglai sẽ lại có rất nhiều nghệ nhân đánh mã la”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên - một người có thâm niên trên 20 năm nghiên cứu văn hóa Raglai cho rằng, một trong những cách bảo tồn di sản văn hóa tốt nhất là quan tâm, phát huy nó ngay từ cộng đồng, cơ sở. Mã la là một loại nhạc cụ tiêu biểu, trong đó hàm chứa rất nhiều giá trị tinh thần của người Raglai. Việc đưa mã la vào giảng dạy cho các em học sinh trong trường học là hình thức rất hay và thực tế, một cách dạy làm người qua nghệ thuật dân gian. Điều quan trọng là việc truyền dạy phải gắn với thực tế đời sống của đồng bào Raglai, gắn với cách đánh của từng địa phương, gia tộc, từ đó mới tạo cho các em có cảm xúc với âm nhạc, gắn bó với văn hóa dân tộc mình.