Sau mùa Lễ hội Katê, chúng tôi về thôn Tà Dương, xã Phước Thái (Ninh Phước) tìm gặp nghệ nhân Kadá Phượng. Tuy công việc nương rẫy ngày mùa bận rộn nhưng nghệ nhân ưu ái dành thời gian trao đổi với chúng tôi về chiếc khèn bầu được anh gìn giữ như tài sản quý giá của gia đình. Trao đổi với người nghệ nhân có gần 20 năm gắn bó với đội nhạc công thôn Tà Dương, chúng tôi được biết từ tuổi thơ của anh đã say mê tiếng mã la, tiếng khèn bầu trong những ngày hội lớn của làng. Khi tròn ba mươi tuổi, Kadá Phượng biểu diễn thành thục các bài bản của nhạc cụ mã la và tham gia làm nhạc công Đội văn nghệ thôn Tà Dương. Đội nhạc công có 6 người gồm: 4 người đánh mã la, 1 người đánh trống và 1 người thổi khèn bầu. Ba loại nhạc cụ căn bản này hòa nhịp tạo nên âm vang như lời ăn tiếng nói của đồng bào Raglai trong những dịp mừng mùa lúa mới, hội làng, cưới hỏi, bỏ mả, bạn bè đến nhà thăm chơi…
Trước đây, nghệ nhân Kadá Phượng biểu diễn mã la ăn nhịp với tiếng khèn bầu Nghệ nhân Chamaleá Thanh. Khi nghệ nhân Thanh tuổi cao sức yếu, Ban Quản lý thôn động viên anh học thổi khèn bầu thay thế ông Thanh đảm nhận biểu diễn nhạc cụ được coi là hồn vía của Đội văn nghệ làng Tà Dương. Ngày đi làm rẫy đêm về nhờ nghệ nhân Chamaléa Thanh tận tình hướng dẫn thổi khèn bầu. Nhờ có kinh nghiệm biểu diễn mã la và nhiều năm gắn bó với âm thanh khèn bầu nên anh tiếp thu nhanh bài bản do thầy truyền dạy và tham gia biểu diễn phục vụ Lễ hội Katê năm 2019. Với truyền thống đoàn kết lâu đời của đồng bào Raglai thôn Tà Dương với đồng bào Chăm làng Phước Đồng thực hiện nghi thức rước y trang và biểu diễn nhạc cụ mừng đón Katê hàng năm. Từ ngày 27-9, Đội nhạc công thôn Tà Dương xuống ở lại đền thờ Po Klong Garai tại làng Phước Đồng để sáng sớm ngày 28-9 thực hiện nghi thức rước y trang lên tháp. Các thành viên Đội nhạc công thôn Tà Dương rất vui mừng được biểu diễn phục vụ ngày hội lớn của đồng bào Chăm và giới thiệu nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai đến với du khách trong và ngoài nước. “Tôi còn phải khổ công rèn luyện lâu dài để thổi được tiếng khèn bầu nghe có hồn có vía được bà con yêu thích. Đồng thời học chế tác khèn bầu để bảo tồn nhạc cụ truyền thống đặc sắc của dân tộc mình”, nghệ nhân Kadá Phượng chia sẻ.
Anh Daghe Hoàng Thọ, Trưởng ban Quản lý thôn Tà Dương cho biết Nghệ nhân Kadá Phượng là nhân tố điển hình tiêu biểu trong phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Từ nhạc công biểu diễn thành thục mã la, theo yêu cầu của Ban Quản lý thôn, anh đã chuyển sang học tập và nỗ lực biểu diễn thành công khèn bầu nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng. Nghệ nhân Kadá Phượng chăm lo phát triển đội nhạc cụ truyền thống đồng bào Raglai thôn Tà Dương, tích cực góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn khu dân cư.
Sơn Ngọc