Làng Chăm Hữu Đức hiện có gần 2.000 hộ, sinh sống tập trung tại các khu dân cư Hữu Đức, Tân Đức và Thành Đức; người dân nơi đây chủ yếu là trồng trọt và kết hợp chăn nuôi gia súc. Nhờ có dòng nước kênh Nam quanh năm, nên hơn 450 ha lúa luôn đảm bảo nước tưới xuyên suốt 3 vụ, vì cây lúa được xem là cây trồng chủ lực, bà con chủ động áp dụng khoa học-kỹ thuật vào canh tác, từ khâu làm đất đến thu hoạch đều được cơ giới hóa. Hướng tới mục tiêu tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho nông dân từ cây trồng này, mô hình trồng lúa cánh đồng lớn được nông dân hưởng ứng tích cực với trên 60 ha, năng suất đạt trên 7 tấn/ha/vụ; điều này cho thấy, ý thức chuyển hướng từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung hàng hóa của nông dân ngày càng rõ rệt. Đặc biệt hơn, bà con còn liên kết với Công ty TNHH Hùng Anh Food thực hiện 50 ha mô hình “vùng nguyên liệu sản xuất lúa sạch”, kết quả mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường. Người dân còn đầu tư đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, nhiều hộ tận dụng vùng đất rẫy, đào ao trữ nước trồng cỏ, bắp làm thức ăn gia súc, mở rộng hàng chục các trang trại, gia trại với quy mô tổng đàn lên đến hàng trăm con. Ngoài ra, một số nông dân khá giả còn kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, mở xưởng cơ khí, xay sát, buôn bán các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.
Diện mạo nông thôn làng Chăm Hữu Đức ngày càng đổi mới.
Đón Lễ hội Katê năm nay, cùng với niềm vui vừa thu hoạch xong lúa vụ hè-thu, người dân càng phấn khởi hơn khi công trình nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm thôn Hữu Đức, kinh phí trên 16 tỷ đồng do Ấn Độ tài trợ và vốn đối ứng của địa phương hiện đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành một số hạng mục phục vụ cho nghi thức cúng lễ, trưng bày một số hiện vật người Chăm trong những ngày diễn ra lễ hội. Bà Dương Thị Ánh, ở thôn Tân Đức phấn khởi: Được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương cũng như sự nỗ lực nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong làng đã được cải thiện đáng kể… Đến nay, đã có 100% số hộ trong làng được sử dụng lưới điện quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường học tập, các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học” tiếp tục được nâng cao. Bên cạnh đó, người dân còn thực hiện tốt nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan; chung sức cùng chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan thôn xóm xanh, sạch, đẹp.
Là nơi diễn ra lễ rước y trang, nghi thức quan trọng khởi đầu cho mùa Lễ hội Katê của đồng bào Chăm, tại sân vận động thôn, hàng trăm diễn viên không chuyên tích cực tập luyện sôi động cùng với tiếng kèn saranai, tiếng trống paranưng. Ông Đàng Năng Tiên, Trưởng Ban Quản lý thôn Hữu Đức cho biết: Trong thời gian diễn ra lễ hội có rất nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian, đây là dịp để quảng bá hình ảnh của đồng bào Chăm đến với du khách đến xem và tìm hiểu về Lễ hội Katê. Ban quản lý thôn đã huy động người dân ra quân làm vệ sinh môi trường, treo cờ Tổ quốc trên các tuyến đường trong thôn; UBND xã cũng đã có kế hoạch bố trí đội dân quân làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong những ngày diễn ra Lễ hội Katê.
Hồng Lâm