Với trên 16.600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Chăm và Kinh sinh sống, Phước Hậu là địa phương điển hình trong phong trào TDĐKXDĐSVH của huyện Ninh Phước. Toàn xã hiện có 6/7 thôn được công nhận danh hiệu Thôn văn hóa; trên 95% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Xã có trung tâm văn hóa-thể thao và Đài truyền thanh, 7/7 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, có 1 CLB bóng đá, 4 CLB múa lân, 1 CLB Truyền dạy nhạc cụ dân tộc Chăm… đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.
Đồng bào Chăm huyện Ninh Phước biểu diễn văn nghệ trong Lễ hội Katê. Ảnh: S.N
Đồng chí Huỳnh Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, cho biết: Những năm qua, phong trào TDĐKXDĐSVH được địa phương triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng. Nhờ làm tốt phong trào nên nhận thức của người dân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan môi trường… không ngừng được nâng lên. Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đoàn kết, giúp nhau trong đời sống, sản xuất. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị-văn hóa quan trọng ở địa phương được duy trì, phát triển. Gắn phong trào TDĐKXDĐSVH với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân các thôn đã tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng 7 cổng làng khang trang; triển khai hiệu quả các mô hình: “Thắp sáng đường quê”, “Thu gom rác thải”, xây dựng tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, ký cam kết nuôi heo không thả rong… qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới ngày thêm khởi sắc.
Theo đồng chí Phan Kim Lương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ninh Phước, để phong trào TDĐKXDĐSVH phát huy tối đa hiệu quả, hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch, phân công các ban ngành, Mặt trận, đoàn thể, địa phương phối hợp, triển khai đồng bộ các phong trào nhỏ, như: “Xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến”, “Xây dựng gia đình văn hoá”; “Xây dựng khu dân cư văn hoá”, “Học tập, lao động sáng tạo”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Từ việc triển khai hiệu quả phong trào, đến cuối năm 2018, toàn huyện có 5/8 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới, tỷ lệ “Gia đình văn hóa” đạt 89,5%; 59/66 thôn, khu phố được công nhận thôn, khu phố văn hóa; số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt khoảng 28,7%…
Các thành viên Câu lạc bộ Nhạc cụ Chăm khu phố Bàu Trúc biểu diễn nhạc cụ chào mừng
du khách đến tham quan làng nghề.Ảnh: Sơn Ngọc
Điều đáng ghi nhận là từ việc triển khai đồng bộ phong trào đã tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, khơi dậy truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái” trong cộng đồng dân cư. Trong 5 năm qua, nhân dân trong huyện, cùng doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 2,1 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” trên 3,3 tỷ đồng, qua đó, giúp hàng trăm gia đình chính sách, hộ nghèo xây dựng nhà ở ổn định đời sống vật chất, tinh thần.
Để phong trào TDĐKXDĐSVH tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, huyện Ninh Phước quán triệt, đưa phong trào đi vào chiều sâu; đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, thể dục thể thao vững mạnh ở cơ sở… Phấn đấu đến cuối năm 2019 có trên 93% số thôn, khu phố được công nhận thôn, khu phố văn hóa; trên 92% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”; trên 29% dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
Lâm Anh