Tưng bừng Ngày hội Văn hóa Dân tộc Raglai -Ninh Thuận 2013

(NTO) Hòa chung khí thế hào hùng của những ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh (2-9), gắn với chào mừng kỷ niệm 53 năm Ngày giải phóng huyện Bác Ái, tối ngày 30-8, tại trung tâm huyện Bác Ái, Ngày hội Văn hoá Dân tộc Raglai -Ninh Thuận 2013 chính thức khai mạc.

Tham dự Ngày hội có các đồng chí: Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch; lãnh đạo các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hoà. Về phía tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các ngành, địa phương. Tham dự còn có gần 500 nghệ nhân cùng đông đảo bà con dân tộc Raglai và du khách trong và ngoài tỉnh. 

Các đồng chí: Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy;  Đặng Thị Bích Liên,
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch; Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương tham dự Ngày hội Văn hóa Raglai- Ninh Thuận 2013.

Các đồng chí: Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội
và Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Ngày hội.

Ngày Hội Văn hóa Dân tộc Raglai Ninh Thuận 2013 nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đồng thời là dịp để đồng bào Raglai ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm hay, việc làm tốt... trong sản xuất và đời sống. Mặt khác đây còn là dịp để quảng bá các giá trị văn hóa, những danh lam thắng cảnh của vùng đồng bào Raglai huyện Bác Ái đến với du khách trong và ngoài nước. Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  nhấn mạnh: Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai có nhiều hoạt động phong phú như: Liên hoan nghệ thuật dân tộc, dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội, sử thi, trang phục dân tộc, trò chơi dân gian, thể thao dân tộc, triển lãm đặc trưng văn hóa, quảng bá du lịch, ẩm thực, chiếu phim về Bác Hồ với đồng bào các dân tộc... Đây là một trong những biểu hiện sinh động của việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch
phát biểu khai mạc Ngày hội Văn hóa Raglai- Ninh Thuận 2013.

Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh chiêng khai mạc Ngày hội Văn hóa Raglai- Ninh Thuận 2013.

Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bằng khen cho các đơn vị
tham gia Ngày hội Văn hóa Raglai- Ninh Thuận 2013.

Phát biểu chào mừng, đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai Ninh Thuận là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc Raglai, một dân tộc đã trải qua bề dày truyền thống chống giặc ngoại xâm trước đây và ngày nay cùng với các dân tộc trong tỉnh góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp...

Tiết mục Lễ mừng lúa mới do các nghệ nhân Raglai Ninh Thuận biểu diễn.

Nhạc sĩ Trần Tiến biểu diễn nhạc phẩm Giấc mơ chapi.

Tiết mục múa Lời của núi do nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn.
 
 
Tiết mục Rạng rỡ Việt Nam do các nghệ sĩ Nhà hát Biển Xanh
và Đoàn Nghệ thuật Dân tộc biểu diễn.
 
 
Các nghệ nhân Ninh Thuận biểu diễn chào mừng Đêm hội Raglai.

Trong đêm khai mạc, nhân dân Bác Ái và du khách gần xa đã thưởng thức nhiều tiết mục đặc sắc của các diễn viên, nhạc công là người dân tộc Raglai của 4 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng và của các đoàn nghệ thuật Ninh Thuận, Bình Thuận... 

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 9 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc góp phần tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai- Ninh Thuận năm 2013.

*Mời xem video clip: Tưng bừng Ngày hội Văn hóa Dân tộc Raglai -Ninh Thuận 2013
Đồng chí Trần Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái:

Đây là lần đầu tiên Bác Ái tổ chức Ngày hội Văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai với quy mô lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người Raglai nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung. Những ngày lễ hội cũng là dịp để bà con Raglai ở Bác Ái và các địa phương trong tỉnh ta thể hiện tấm lòng hiếu khách, tinh thần đoàn kết của mình, là nơi bà con Raglai giao lưu, gặp gỡ, ôn lại truyền thống đấu tranh trong kháng chiến cũng như chia sẻ những phong tục, tập quán trong sinh hoạt và tôn vinh những giá trị văn hóa. Là những người làm công tác tổ chức lễ hội, chúng tôi luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các du khách, nghệ nhân, nhân dân đến với lễ hội thấy được tinh thần hiếu khách, đoàn kết, giao lưu và cùng chung tay bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của người Raglai.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Thuận:

Đoàn Bình Thuận đến với Ngày hội văn hóa dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận năm 2013 gồm 30 thành viên, trong đó có 15 nghệ nhân người đồng bào dân tộc Raglai, với mong muốn được giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của người Raglai ở Bình Thuận như: hòa tấu nhạc cụ dân tộc, độc tấu khèn bầu, hát đối dân ca, biểu diễn thời trang... Đến với lễ hội lần này, chúng tôi rất vui và ấn tượng bởi sự đón tiếp nhiệt tình, mến khách của người dân Ninh Thuận nói chung và đồng bào dân tộc Raglai ở đây nói riêng. Đây chính là cơ hội để bà con dân tộc Raglai ở các địa phương giao lưu, chia sẻ những nét văn hóa dân tộc mình và góp phần giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ bản sắc, văn hóa của người Raglai.

Ông Huỳnh Ngọc Châu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa:

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, nên chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ và đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bà con cũng như các nghệ nhân Raglai trong tỉnh có điều kiện tham gia ngày hội. Đoàn Khánh Hòa gồm có 45 nghệ nhân, tham gia tất cả các nội dung của lễ hội với tinh thần giao lưu, chia sẻ và tiếp thu văn hóa nhằm tăng cường tính đoàn kết của người Raglai với nhau và với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tôi cho rằng, ngày hội văn hóa dân tộc Raglai lần này cũng là một trong những hoạt động góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII).

Ông Đá Mài Ngoắt, Nghệ nhân đến từ huyện Thuận Bắc:

Các phong tục tập quán của người Raglai đang có nguy cơ bị mai một, vì vậy lễ hội lần này chính là cơ hội để chúng tôi được ôn lại những truyền thống cũng như những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Riêng tôi, là một nghệ nhân đánh trống, cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi vì có cơ hội được thể hiện tài năng của mình và giới thiệu với các dân tộc anh em trong tỉnh cũng như các tỉnh bạn và cả nước một môn nghệ thuật truyền thống, đặc sắc của dân tộc Raglai. Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều lễ hội có ý nghĩa như thế này nữa.

Nghệ nhân Cao Văn Nghiệp, đến từ đoàn Khánh Hòa:

Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia lễ hội tôn vinh văn hóa dân tộc mình với quy mô lớn. Tuy đồng bào Raglai chúng tôi chung cùng tiếng nói nhưng mỗi địa phương đều có những phong tục và nét văn hóa đặc trưng riêng. Ngày hội văn hóa chính là cơ hội để chúng tôi được giao lưu, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của địa phương mình và xích lại gần nhau hơn. Là một nghệ nhân biểu diễn mã la, thông qua lễ hội lần này tôi cũng mong muốn được mang đến cho thế hệ trẻ đồng bào Raglai nói riêng và nhân dân các dân tộc anh em trong cả nước nói chung biết đến một nét văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn và phát triển để làm phong phú hơn nên văn hóa các dân tộc Việt Nam.