Kho tàng văn hóa độc đáo
Thấy có khách tới thăm, nghệ nhân Chamaléa Âu (Ma Nới, Ninh Sơn) đang làm ngoài ruộng vội vã trở về nhà. Sau khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cây đàn Chapi, một loại nhạc cụ của người Raglai, ông với tay lên vách mang xuống một đoạn ống tre đã bóng vì mồ hôi và khói bếp, giới thiệu:
- Đây là đàn Chapi, này là dây mẹ, này là dây cha, dây con lớn và dây con út, dây mẹ thì trầm, dây con thì thanh…
Đường vào trung tâm huyện Bác Ái đón mừng Ngày hội. Ảnh: Văn Miên
Dù đơn giản chỉ là một đoạn ống tre được mài gọt, có 8 dây và 4 phím bao quanh nhưng khi gảy lên, âm thanh của đàn Chapi giống như bản hòa tấu của dàn cồng chiêng. Nghệ nhân Chamaléa Âu còn biểu diễn cho chúng tôi nghe một số bài như: “Con gái lúa”, “Con trai bắp”, “Con ếch”. Nội dung những bản nhạc thể hiện niềm mong ước về cuộc sống giản dị, thanh bình của người Raglai: “Hỡi bắp trắng con trai của mẹ, hãy để mẹ bình an, no đủ. Hỡi bắp trắng, con trai của mẹ, đừng để nước đổ, nồi nghiêng…”.
Tại xã Phước Tân, huyện Bác Ái, chúng tôi gặp nghệ nhân Katơ Thị Sính và được nghe bà hát một vài đoạn trong sử thi Saer, một sử thi đồ sộ kể về lịch sử hình thành, quá trình đấu tranh chống lại kẻ thù và các thế lực siêu nhiên bảo vệ buôn làng của đồng bào Raglai. Bà Sính cho biết, ngoài bộ sử thi Saer, người Raglai còn có sử thi Udai đề cập tình yêu nam nữ, hai bộ sử thi này rất dài, phải “hát ròng rã 2 tháng mới hết”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm, Raglai là một dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại khu vực miền núi của 4 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, trong đó Ninh Thuận là địa phương có đông người Raglai nhất, khoảng 57 nghìn người. Dân tộc Raglai có nền văn hóa phong phú, đặc sắc, thể hiện qua phong tục tập quán, hệ thống lễ nghi, kiến trúc, văn học nghệ thuật. Về âm nhạc, đồng bào Raglai có hình thức hát ngâm, hát kể và các loại nhạc cụ như đàn đá, mã la (chiêng), khèn bầu, đàn Chapi, xà-tẹc; lễ hội có lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ cúng đập, lễ cầu mưa; văn học có sử thi Saer, Udai…
Nghệ nhân Chamaléa Âu biểu diễn đàn Chapi. Ảnh: Sơn Ngọc
Chắp cánh cho tâm hồn Raglai
Nhằm tôn vinh, giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa Raglai tới bạn bè trong nước và quốc tế, từ ngày 29 đến 31-8, tại huyện Bác Ái sẽ diễn ra “Ngày hội Văn hóa Dân tộc Raglai - Ninh Thuận năm 2013” do UBND tỉnh tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa-du lịch đặc sắc.
Về huyện Bác Ái những ngày này, đi đâu chúng tôi cũng gặp không khí khẩn trương, náo nức của chính quyền và nhân dân chuẩn bị cho ngày hội lớn. Ông Pi-năng Trách, Đội trưởng Đội văn nghệ huyện Bác Ái hồ hởi cho biết: “Đội nghệ thuật huyện Bác Ái sẽ tham gia 9 tiết mục gồm: Tái hiện lễ hội truyền thống, hát đối đáp tìm hiểu đôi lứa, hòa tấu nhạc cụ, đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố và chơi trò đánh trận. Lần đầu tiên, một lễ hội lớn được tổ chức tại quê mình nên bà con rất phấn khởi, ai cũng cố gắng luyện tập để có tiết mục hay nhất”. Nghệ nhân Katơ Thị Sính không giấu được tâm trạng náo nức, hồi hộp: “Tôi đã chuẩn bị cả tháng nay, hy vọng sau dịp này, nhiều người sẽ biết tới sử thi Raglai và tôi sẽ có cơ hội đi nhiều nơi hát sử thi phục vụ đồng bào và du khách”.
Theo anh Nguyễn Văn Bền, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Bác Ái, Bác Ái vốn là một trong những “cái nôi” của văn hóa Raglai. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây từng là căn cứ cách mạng, quê hương của Anh hùng Pinăng Tắc làm bẫy đá diệt quân thù, Bác Ái có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, vì vậy khi về dự “Ngày hội văn hóa Raglai 2013”, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều điều bất ngờ, thú vị.
Vũ Đình Đông