Từ Quốc lộ 27B đi vào Trung tâm huyện Bác Ái, không khí ngày hội đã về trên khắp các nẻo đường, thôn xóm đại ngàn Bác Ái. Dọc theo tuyến đường Quốc lộ 27B, các đường liên huyện, liên xã đang được sửa chữa, nâng cấp và dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng. Tại Trung tâm văn hóa huyện, hàng chục công nhân, thợ thủ công đang khẩn trương sửa chữa, củng cố, nâng cấp xây dựng các thiết chế văn hóa: Nhà truyền thống huyện; các di tích lịch sử; xây dựng nhà sàn huyện; mặt bằng xây dựng các gian hàng hội chợ thương mại; khối nhà sàn truyền thống huyện, các huyện, tỉnh bạn…
Các thợ thủ công đang khẩn trương thi công làm nhà sàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “công tác đầu tư xây dựng sửa chữa cơ sở hạ tầng, các hạng mục phục vụ cho ngày hội đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, việc sửa chữa nhà truyền thống huyện đã đạt gần 60% khối lượng; sửa chữa các trục đường Trung tâm huyện bị hư hỏng đạt trên 80%; tiến độ xây dựng nhà sàn đã thực hiện được 40% công trình. Tất cả các công trình hạng mục phục vụ ngày hội sẽ hoàn tất trước ngày 25-8”.
Ngôi nhà sàn chính của Ngày hội, được xây dựng từ nguồn ngân sách và đóng góp của cán bộ,
CC-VC-NLĐ trên địa bàn huyện.
Đồng chí Phạm Văn Hoa, Bí thư Huyện ủy: Nhằm có thêm kinh phí để xây dựng Ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Raglai phục vụ cho công tác Ngày hội, vừa làm nhà truyền thống trưng bày sau này; huyện Bác Ái đã phát động trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn huyện đóng góp, ủng hộ 1 ngày lương, để góp thêm kinh phí xây dựng nhà sàn. Kết quả, toàn huyện đã vận động được gần 100 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai.
Nhằm đảm bảo lễ hội được tổ chức thành công tốt đẹp, huyện Bác Ái đã chỉ đạo các đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc trang hoàng đường liên huyện, liên xã, khu vực trung tâm tổ chức Ngày hội. Bố trí lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự liên tục tuần tra, tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong dịp này. Công an huyện đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự cho từng thời điểm với sự tham gia của nhiều lực lượng, chỉ đạo công an các địa phương triển khai các phương án chi tiết, đảm bảo tại những khu vực trọng điểm không xảy ra tình trạng mất trật tự an toàn giao thông, cháy nổ; Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; năng lực phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách cũng được huyện Bác Ái chỉ đạo Phòng y tế kiểm tra, chuẩn bị chu đáo… Ngoài ra, để chuẩn bị cho chương trình lễ hội trong đêm khai mạc, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh thường xuyên phối hợp với lãnh đạo huyện để rà soát, bổ sung, hoàn thiện kịch bản.
Nhà truyền thống trung tâm huyện Bác Ái đang được chỉnh trang, sơn sửa.
Theo đồng chí Phạm Văn Hoa, Bí thư Huyện Ủy Bác Ái: “Ngày Hội là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc Raglai, một dân tộc đã trải qua bề dày truyền thống chống giặc ngoại xâm qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và ngày nay đang kề vai sát cánh cùng các dân tộc khác xây dựng cuộc sống mới; Ngày hội là dịp để đồng bào Raglai ở các tỉnh gồm Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Lâm Đồng gặp gỡ, ôn lại truyền thống quý báu của dân tộc, tạo không khí vui tươi phấn khởi, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, là dịp để quảng bá các giá trị văn hóa, những danh lam thắng cảnh của vùng đồng bào Raglai với du khách trong và ngoài nước, là dịp để tăng cường tình đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, tổ chức các hoạt động văn hóa ở các tỉnh có đồng bào Raglai sinh sống. Huyện Bác Ái huy động tổng lực để tổ chức Ngày hội thành công, ấn tượng trong lòng các đại biểu, bạn bè và du khách”.
Xuân Bính