KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM (19/01/1993 - 19/01/2013):

Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm: 20 năm một chặng đường phát triển

(NTO) Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm được thành lập sau khi tỉnh được tái lập, có chức năng nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Chăm cả nước nói chung và ở Ninh Thuận nói riêng.

Với những ngày đầu khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đến con người, đến nay Trung tâm đã có một cơ ngơi tương đối khá khang trang. Với 8 cán bộ lúc ban đầu mới thành lập, đến nay Trung tâm đã có một đội ngũ cán bộ khá vững vàng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ các mặt với 20 cán bộ, viên chức, trong đó có 3 thạc sĩ và 12 đại học. Có 3 phòng chức năng so với lúc ban đầu chỉ là 2 tổ nghiệp vụ và hành chính.

 
Trung tâm trưng bày sách giới thiệu nét đặc trưng văn hóa của cộng đồng người Chăm
tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận năm 2012.
Ảnh: Văn Miên

Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm đã tiến hành điền dã, khảo sát, nghiên cứu nhiều chuyên đề về văn hóa Chăm và văn hóa các dân tộc khác có liên quan với người Chăm gồm trên 20 đề tài khoa học, trên 70 chuyên đề khảo cứu, đã công bố 7 công trình của cá nhân và tập thể xuất bản thành sách, hàng trăm công trình bài viết trên các tạp chí khoa học và Hội thảo; tiến hành sưu tầm, phục chế gần 300 hiện vật, trong đó có gần 100 hiện vật gốc đưa vào trưng bày giới thiệu, bao gồm: công cụ lao động sản xuất, dụng cụ sinh hoạt, sản phẩm và vật dụng nghề thủ công truyền thống, trang phục, trang sức, phương tiện vận chuyển, tranh, tượng, nhạc cụ, thư tịch cổ và các hiện vật khác. Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức và phối hợp tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề, lưu động phục vụ những ngày lễ, kỷ niệm, ngày hội văn hóa Chăm, văn hóa các dân tộc trong và ngoài tỉnh do Trung ương, địa phương tổ chức.

Trung tâm hiện có hệ thống phòng đọc với gần 800 bản sách, tư liệu chuyên khảo phục vụ công tác nghiên cứu. Tư liệu thư tịch cổ gồm hàng trăm cuốn, trong đó thư tịch gốc gồm 53 cuốn được viết trên giấy quyến, lá buông... Thực hiện hàng ngàn tấm ảnh, đã được in sang đĩa VCD, DVD và lưu trữ trong album gồm 53 chuyên đề, trong đó lưu trữ vào 35 đĩa.

Hàng năm, ngoài thực hiện chức năng nghiên cứu, Trung tâm còn phục vụ khách tham quan, nghiên cứu trong và ngoài nước đến học tập, tìm hiểu, tra cứu tư liệu; tổ chức truyền dạy nhạc cụ dân tộc Chăm; Hội thi diễn tấu nhạc cụ và hát dân ca Chăm - Raglai toàn tỉnh; phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề giới thiệu về văn hóa Chăm; tổ chức các cuộc Hội thảo, tọa đàm khoa học, thảo luận về văn hóa Chăm và nhận được nhiều ý kiến đóng góp có giá trị về lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học uy tín.

Tính trên cả nước cho đến nay, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất có một đơn vị chuyên biệt thực hiện chức năng nghiên cứu về văn hóa Chăm. Điều đó vừa là một vinh dự, vừa đòi hỏi Trung tâm phải không ngừng được nâng cao năng lực hoạt động cả về tầm và quy mô để xứng với một cơ quan khoa học không chỉ nghiên cứu riêng về văn hóa Chăm trong tỉnh mà phải kể đến văn hóa Chăm nói chung trong cả nước, thậm chí ngoài nước. Với thực lực hiện tại về con người, kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị của Trung tâm thì năng lực hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhân tài và khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm mở rộng, nâng cao để có nhiều công trình giá trị, thực sự có thể phát huy tốt các giá trị văn hóa Chăm cả về vật thể lẫn phi vật thể trong đời sống xã hội, góp phần giữ gìn, phát huy vốn văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Mong rằng trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của đơn vị, Trung tâm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, đơn vị các cấp, ngành chủ quản, các ngành liên quan để giúp đơn vị ngày càng phát triển, phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc Việt Nam phong phú, giàu đẹp.