Sinh năm 1985, Kiều Maily tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh- Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Chị là cây bút nữ dân tộc Chăm đầu tiên tôi được gặp ở Ninh Thuận. Thơ Kiều Maily sâu lắng, trữ tình mang đậm hình bóng làng Chăm Pabblap quê hương chị. Tôi thật sự bị cuốn hút bởi những bài thơ được chị viết trong cảm xúc ngọt ngào về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương in bóng người cha, người mẹ, đàn em thơ với những mùa lễ hội Ramưwan nồng ấm yêu thương.
Bìa tập thơ Giữa hai khoảng trống của tác giả trẻ Kiều Maily
Đọc Giữa hai khoảng trống của Kiều Maily, tôi rất thích các bài chị viết về tình đất, tình người quê hương Phước Nhơn: Nhớ Ramưwan, Palei ngày về, Mương Cái- Mương Đực, Khúc Thei mai giữa Sài Gòn…Có lẽ đây chính là những bài thơ làm nên nét riêng duyên dáng đáng yêu của tiếng thơ Kiều Maily. “Đôi khi tiếng gì như tiếng Ghinang vọng lại/ từ cõi nào rất xa/ bước chân thằng Út thoăn thoắt bờ mương/ đường làng đang mở hội” (Nhớ Ramưwan); “Người đi có ai nhớ/ mà bóng hình Palei mãi thức trong em” (Palei ngày về); “Mương Cái xuôi về palei em/ Mương Đực đổ qua làng anh/cả hai chảy tan vào biển/ Tìm nhau/ dòng nước phải ngược lên nguồn suối” (Mương Cái- Mương Đực); “Trên lưng bò còn vương mấy cọng rạ/ lũ dê đã về chuồng/ dường nắng Phan Rang vừa tắt/ Người mẹ kiên nhẫn mót những nhánh lúa sót lại cuối cùng/ khi chiều đã nhuộm thẫm áo chàm/ dáng người đi như nhớ” (Khúc Thei mai giữa Sài Gòn)…
46 bài thơ in trong tập Giữa hai khoảng trống có 45 bài viết theo thể thơ tự do, riêng bài Màu mắt buồn được Kiều Maily viết theo thể lục bát, thể thơ truyền thống Việt Nam. Câu chữ trong bài Màu mắt buồn được chị thể hiện có duyên làm nao lòng người yêu thơ khi đọc thi phẩm Giữa hai khoảng trống của tác giả trẻ Kiều Maily: “Rồi say lả tả tóc em/Rồi thương lãng đãng gió miền đất xa/ Trưa treo mộng mị la đà/ Lang thang phố lạ tôi và…nắng, em”.
Thái Sơn Ngọc