Ngày 10 -5, Ban Tổ chức đã chấm công khai. Kết quả: 1 giải Nhất, tác phẩm “Nắng sớm” của Lê Văn Hùng; 2 giải Nhì, tác phẩm “Đường về” của Nguyễn Văn Quang, “Bội thu” của Tô Công Vinh; 3 giải Ba, 7 giải Khuyến khích và 88 tác phẩm chọn triển lãm.
Dù là ảnh màu hay đen trắng, nhìn chung các tác phẩm đều theo chủ đề, ghi lại hình ảnh ấn tượng của “Quê hương – Con người Ninh Thuận”.
Tác phẩm “Nắng sớm” của tác giả Lê Văn Hùng đoạt giải Nhất.
Các mảng đề tài: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản, văn hóa, du lịch, thể thao, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, thiếu niên, nhi đồng, phong cảnh, chân dung con người, thậm chí một số ảnh “Đời thường” cũng hiện diện trong cuộc thi lần này. Về không gian, nếu không nói chủ quan thì cũng tự tin nêu rằng: Tất cả các vùng miền trong tỉnh ở những thời khắc “đẹp” đều có mặt ở khắp các mảng đề tài. Miền biển, kể cả đánh cá ngoài khơi xa, đồng bằng, miền núi, giữa cánh đồng, trên công trường, danh lam, thắng cảnh. Đó là kết quả của lao động sáng tạo nghệ thuật Nhiếp ảnh.
Tác phẩm “Đường về” của tác giả Nguyễn Văn Quang đoạt giải Nhì.
Chúng ta có thể tự hào “Quê hương – Con người Ninh Thuận” vốn đẹp cảnh, đẹp người mới sản sinh ra những tác phẩm đẹp thông qua ống kính của người nghệ sĩ. Chỉ như thế mới có tác phẩm “Nắng sớm” của Lê Văn Hùng thu vào ống kính hình ảnh diêm dân trên những núi muối ở thời khắc đắt giá, buổi sớm mai; chỉ như thế mới có tác phẩm “Đường về” của Nguyễn Văn Quang ở thời khắc đàn cừu đang về trong đầy đặn, no đủ và tác phẩm “Bội thu” của Tô Công Vinh ở không gian mênh mang lúa vàng phơi trải. Có phải rằng phía sau những tác phẩm đó là một cuộc sống thanh bình, đầy đủ, sâu xa hơn, đó là kết quả của mồ hôi lao động hằng ngày, nét rất đẹp của con người Ninh Thuận.
Tác phẩm “Bội thu” của tác giả Tô Công Vinh đoạt giải Nhì.
Tác phẩm đoạt giải Ba “Được mùa nho” của Lê Văn Hùng chụp vào thời điểm những chùm nho trĩu quả trên giàn, trong ánh sáng tràn đầy không gian; “Chiều quê” của Hàng Khương Quang là bức tranh quê miền cát trắng, “Nghề truyền thống” của Nguyễn Văn Quang nghiêng về đặc tả vẻ đẹp của thiếu nữ Chăm thả tâm hồn, tài năng của mình vào sản phẩm gốm, từ đấy làm vẻ vang một làng nghề gốm truyền thống Bàu Trúc đang là điểm đến của du khách gần xa.
Nói cách khác, các tác giả ảnh Nghệ thuật Ninh Thuận thông qua cuộc thi năm 2013, đã thu vào tầm mắt muôn trùng vẻ đẹp quê hương .
Đình Hy
Phó Chủ tịch Hội VHNT Ninh Thuận