Ở Việt Nam, dạy viết báo có trường có lớp, nhưng dạy biên tập thì không, hoặc nếu có cũng chỉ qua loa, sơ sài. Xuất phát từ thực tế trên, tác giả Ngọc Trân đã thu thập một số tư liệu ngoài nước, trong nước, cùng kinh nghiệm riêng để biên soạn cuốn “Khám phá nghề biên tập”, hợp với nghề báo Việt Nam. Cuốn sách gồm các nội dung chính: Tổng quát về nghề biên tập; Tố chất hành nghề; Biên tập viên có thể đóng góp gì cho một tờ báo?; Tìm hiểu tổng quát về tòa soạn, quy trình di chuyển bài vở cùng công việc của biên tập viên; Làm thế nào để cho thông tin trong bài báo thêm chính xác, dễ hiểu...
Bìa của ba cuốn sách. Ảnh: daibieunhandan.vn
Nhà báo Bob Jervis từng nói: “Kỹ năng phỏng vấn là điều quan trọng nhất, khó nhất của người làm báo”. Nhà báo Ken Metzler cho rằng “Một bài báo hay có chất liệu 80% từ phỏng vấn”. Sự thật kỹ năng phỏng vấn là một phần thiết yếu của nghề báo. “Phỏng vấn báo chí” do Benjamin Ngo biên soạn chắt lọc những bí quyết, lời khuyên, và những tình huống thực tế của những nhà báo giỏi phỏng vấn, từ những bước chuẩn bị, đến thực hiện, làm sao để đặt được câu hỏi “đắt”, hay câu hỏi “bẫy”, làm sao để tìm được nguồn tin tin cậy cho vấn đề hay của mình, cả những cách xử lý sự cố…
Tiểu thuyết “Chân trần” của Thùy Dương nói về một người đàn bà của thời hiện đại với công việc làm báo và một người đàn bà là vợ ba của một ông đốc tờ Tây học những năm bốn mươi. Hai người chỉ có một mối dây liên lạc máu mủ rất xa xôi nhưng gần cận về đường dây tâm linh. Nhà báo nữ hay mơ những giấc mơ về người vợ lẽ của ông mình, hay đúng hơn là tái hiện lại trong tiềm thức cả một chiều dài lịch sử thăng trầm của dòng họ. Bằng ý thức của một cây viết nữ đầy kinh nghiệm, tiểu thuyết “Chân trần” vừa gọn gàng, vừa hằn sâu cái nhìn về thân phận con người, bật lên niềm khao khát vô hình mà tác giả ẩn sau những dòng văn giản dị.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam