Phấn đấu đến năm 2015 xây dựng được 350.000 căn hộ cho công nhân lao động

Chiều 29/8 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Bộ Xây dựng đã ký kết chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì Lễ ký kết.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: nhà ở là nhu cầu thiết yếu của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) hiện nay. Chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Xây dựng có ý nghĩa thiết thực giúp người lao động ổn định đời sống. Cùng với sự phát triển mạnh của quá trình đô thị hóa, nhà ở có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê từ năm 1999 đến năm 2009 khối lượng nhà ở tăng thêm bằng tổng toàn bộ khối lượng nhà ở từ năm 1999 trở về trước. Nhà ở ngày càng nâng cao chất lượng, quy mô, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, việc phân phối, sở hữu nhà ở, giải quyết nhà ở cho người lao động đang là vấn đề cần quan tâm. Hiện nay, 90% công nhân tại các khu công nghiệp chưa có nhà ở, chủ yếu thuê trọ tại nhà dân, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế đất nước….

 Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
ký kết chương trình phối hợp - Ảnh: TH

Mục tiêu lễ ký kết nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội dành cho đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp; cán bộ công chức viên chức, cán bộ luân chuyển, tăng cường cho cơ sở. Phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 10 triệu m2 nhà ở dành cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, tương đương 350.000 căn hộ, giải quyết chỗ ở cho khoảng 1 triệu người, kể cả công nhân độc thân và công nhân có gia đình.

Sau khi thảo luận, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Xây dựng thống nhất chương trình phối hợp hành động với 8 nội dung chủ yếu. Trong đó, đáng chú ý, hai bên hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội dành cho đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài KCN theo hướng Nhà nước chủ động tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội để cho thuê. Đồng thời có chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính - tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê hoặc thuê mua.

Xây dựng đề án khuyến khích đầu tư các công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội tại các KCN tập trung. Hoàn thiện việc xây dựng các cơ chế, chính sách và quy định tiêu chuẩn nhà ở tối thiểu để khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để góp phần giải quyết nhu cầu cho công nhân lao động tại các KCN. Lựa chọn một số địa phương trọng điểm có nhiều KCN, sử dụng nhiều công nhân lao động để tập trung chỉ đạo các địa phương này xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, trong đó xác định rõ chỉ tiêu, kế hoạch và bố trí nguồn lực dành để phát triển xã hội phục vụ các đối tượng quy định trong Chiến lược phát triển nhà ở, trong đó có các đối tượng là công nhân lao động tại các KCN, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài KCN.

Hai bên chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động tại một số địa phương trọng điểm có nhu cầu cao. Căn cứ kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của các địa phương, lựa chọn một số dự án cụ thể để chỉ đạo điểm các mô hình phát triển nhà ở cho công nhân, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Đồng thời xây dựng kế hoạch, lập dự án đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên, học sinh, các trường đại học, cao đẳng dạy nghề trung học chuyên nghiệp, trung cấp dạy nghề thuộc hệ thống Công đoàn đảm bảo tỷ lệ có chỗ ở cho sinh viên, học sinh theo mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã đề ra.

Hằng năm, hai bên phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tại một số địa phương, trong đó đi sâu vào lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội cho CNVCLĐ ở các KCN, KCX… Cùng với đó tổ chức các hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, quốc tế về vấn đề nhà ở xã hội cho CNVCLĐ ở các KCN, KCX; xây dựng môi trường sống lành mạnh, thân thiện, bền vững cho công nhân lao động tại các KCN, KCX và các vùng phụ cận…/.

Nguồn Báo điện tử ĐCSVN