Mỗi năm có hơn 13.700 trẻ em tại Mỹ, từ 5 đến 18 tuổi phải điều trị tại bệnh viện và phòng khám bác sĩ do thương tích liên quan đến ba lô.
Đeo ba lô quá nặng và sai cách có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khoẻ lâu dài của trẻ như: làm sai tư thế, gây đĩa nén cột sống, lệch xương lưng và cổ, nhức đầu, hội chứng ống cổ tay, tổn thương vai, gù lưng, vẹo xương sống, đau nhức cơ thể…
Hội phẫu thuật viên chỉnh hình Mỹ (AAOS) khuyên các bậc phụ huynh nên chú ý đến tư thế của trẻ em và đừng đợi đến khi con cái kêu đau lưng mới giảm bớt gánh nặng trên vai trẻ. Phụ huynh và giáo viên cần hướng dẫn trẻ thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Đầu tiên là chọn một chiếc ba lô có kích thước thích hợp cho trẻ hoặc cho trẻ sử dụng một ba lô có bánh xe kéo thay vì vác nặng trên vai.
Tốt nhất giữ trọng lượng ba lô của trẻ ở mức 10% trọng lượng cơ thể hoặc ít hơn. Ví dụ nếu bé nặng 30 kg thì không nên cho con bạn đeo ba lô chứa sách vở nặng quá 3 kg.
Ảnh: minh họa
Dưới đây là một số cách để giúp trẻ em tránh bị đau và khó chịu do đeo ba lô:
- Đeo cả hai quai để chia đều trọng lượng của ba lô.
- Buộc chặt hai quai và sử dụng cả dây đeo thắt lưng nếu có.
- Đặt những đồ dùng, sách vở lớn nhất trong ba lô ở vị trí sát với lưng, loại bỏ những thứ quá nặng.
- Khuỵu đầu gối và gập chân khi cúi nhặt ba lô.
- Chỉ mang theo các đồ dùng thiết yếu trong ba lô. Bỏ bớt sách vở ở nhà bất cứ khi nào có thể.
- Không để ba lô ở giữa lối đi hoặc giữa đường để tránh vấp ngã.
- Cha mẹ và thầy cô nên khuyến khích trẻ nói ra khi thấy đau hoặc khó chịu mỗi khi đeo ba lô, đặc biệt là cảm giác tê ở tay hoặc chân.
- Trẻ em chỉ nên đeo ba lô phù hợp với kích thước cơ thể trẻ.
- Cha mẹ và thầy cô cần phải nhận ra sự thay đổi tư thế của con em mình hoặc các vết tấy đỏ trên vai trẻ do đeo ba lô.
- Cha mẹ nên trao đổi với nhà trường về những cách làm nhẹ bớt ba lô của trẻ, chẳng hạn như cho phép trẻ dùng ngăn tủ đựng đồ có khóa ở trường, hoặc tính toán trọng lượng ba lô của học sinh khi mang sách vở chuẩn bị cho tiết học.
Nguồn Vnmedia.vn