Đó là một trong những chiêu bẫy mua “dế” trên mạng mà người dùng rất có thể mắc phải hiện nay.
Smartphone hàng "khủng" giá lại quá mềm
Với những thông tin được rao bán trên mạng, nếu bạn cảm thấy giá của một chiếc điện thoại quá rẻ so với giá trị thực của nó, thì ngay lập tức phải kiểm tra lại, dù rằng bạn chưa được tận mắt xem sản phẩm đó dài méo thể nào.
Đừng vội tin những mẩu rao vặt trên mạng, tung giá của chiếc iPhone 4S sành điệu như thế này mà chỉ có giá chỉ vài triệu đồng.
Vì chẳng có lý do gì mà những chiếc điện thoại “xịn” như iPhone 4 lại có giá chỉ vài triệu đồng, Nokia E72 lại được rao bán trên mạng chưa tới 2 triệu đồng với chú thích đi kèm, còn mới 100% nếu nó không là hàng giả, hàng nhái. Trừ trường hợp, người rao bán thừa nhận ngay từ đầu, đây chỉ là “dế” hàng Trung Quốc, nhái thương hiệu xịn mà thôi.
Theo thống kê, trong số những thương hiệu di động hiện nay, dòng điện thoại của Nokia là bị làm giả nhiều nhất sau đó là tới iPhone. Tuy nhiên, không phải dòng nào cũng có thể làm giả tinh vi tới mức người dùng không nhận ra. Và tất nhiên, chả tội gì làm giả, làm nhái những điện thoại giá rẻ. Chỉ cái công cũng như linh kiện cần thiết chế tác ra nó đã mất kha khá tiền rồi, đừng mơ có lãi.
Có thể liệt kê ra một danh sách những “dế” hay bị làm giả dưới đây: Nokia E71, Nokia E72, Nokia N96, Nokia N81, Nokia N8, Nokia X6, các dòng Nokia 8800; Nokia C7… Điện thoại giả, nhái cũng không từ các những “siêu phẩm” của quả táo khuyết Apple như iPhone 3G, iPhone 4, iPhone 4..
Đừng vội tin những mẩu rao vặt
Kinh nghiệm mua bán trên các trang mạng online cho thấy, không nên quá tin tưởng và kỳ vọng vào những mẩu tin rao vặt xuất hiện trên mạng hiện nay nếu bạn không có cách kiểm tra nguồn.
Có thể nói, với những thông tin rao vặt lừa bán điện thoại giả, người ta thường đưa ra nội dung rất chung chung như hàng chính hãng, máy còn mới tới 99% cho những chiếc Nokia. Còn với iPhone, thông tin được đưa ra là phiên bản quốc tế nhưng được xách tay từ nước ngoài.
Bạn nên nhớ, các phiên bản iPhone quốc tế xách tay từ nước ngoài, hầu hết đều phải unlock thì mới sử dụng được. Chỉ có những chiếc điện thoại giả, “made in” từ Trung Quốc mới chả cần bẻ khóa gì vẫn cứ dùng được ngày vì làm gì có hãng điện thoại giả, nhái có phiên bản khóa mạng đâu.
Để kiểm chứng mức độ tin cậy các nguồn thông tin về "dế", bạn có thể nhờ Google kiểm tra các nguồn tin đăng trên mạng về quảng cáo rao vặt bán điện thoại. Nếu như gõ vào cùng một nội dung, chẳng hạn số điện thoại và địa chỉ của người bán rồi search trên Google, sau đó bạn tìm được tới vài chục, thậm chí vài trăm kết quả từ các trang rao vặt khác nhau, thì cần phải xem xét lại.
Một giao dịch như vậy không phải tính toán nhiều, bạn có thể từ bỏ ngay mà không có gì phải tiếc rẻ. Kinh nghiệm cho thấy, khó có thể tin tưởng những thông tin như vậy là nghiêm túc. Kể ra mà nói, nhiều nguồn rao bán một lúc sẽ giúp việc bán đi một chiếc điện thoại được tiến hành nhanh chóng, dễ dàng hơn, nhưng phần đa, đó là những thông tin hoàn toàn không nên tin cậy.
Nếu có ý định muốn bán điện thoại thực sự, hầu hết những người đăng tin rao vặt chỉ cần gửi tới một vài nguồn mà thôi. Hiện nay, ngay bản thân quản trị các trang web có nội dung rao vặt, quảng cáo miễn phí cũng khó có thể kiểm soát được độ tin cậy mà người ta gửi tới.
Trừ những tin được đăng lên phải trả một khoản phí nào đó thì mức độ chính xác có vẻ cao hơn. Còn với web đăng miễn phí, không một ai có thể bảo đảm cho bạn rằng đó là những giao dịch có thể tin tưởng được. Và hãy cảnh giác, thận trọng với những nguồn tin rao vặt bán “dế”, kiểm tra bằng nhiều nguồn khác nhau trước khi ra quyết định có nên mua qua mạng là điều bạn rất nên làm.
Nguồn vtc.vn