Chủ động các biện pháp ứng phó với bão

Thực hiện Công điện số 8356/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 6/11/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Thông báo số 51/TB-PCTT ngày 6/11/2024 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện nay Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý khai thác các cảng cá và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố ven biển khẩn trương phối hợp tuyên truyền, kêu gọi các phương tiện về nơi tránh trú, neo đậu an toàn.

Qua kiểm đếm có 2.268 phương tiện, với 12.392 lao động đã neo đậu tại các cảng cá trong tỉnh, hiện còn 309 phương tiện đang hoạt động hoạt động trên biển không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão.

Đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, chủ yếu là nuôi tôm hùm, hàu, cá bớp, các địa phương có số lượng nuôi lớn đang khẩn trương vận động, khuyến cáo người dân gia cố, chằng chống các lồng bè an toàn trước gió lớn. Ông Trần Ngọc Phận, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải, cho biết: Địa phương đã thông báo đến các hộ nuôi tại khu vực Đầm Nại, Ninh Chữ, Nam Hòn Chông và các khu vực C1, C2, C3 về tình hình cơn bão số 7, hầu hết bà con đều thực hiện nghiêm túc các biện pháp theo khuyến cáo và nhanh chóng di chuyển lên bờ tránh bão an toàn. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu do bão gây ra.

Người dân huyện Ninh Hải cố định lồng bè nuôi thủy sản trên thiết bị nổi, tránh bị sóng và gió lớn làm hư hại.

Cùng với đó, các công trình thi công ven biển, đặc biệt là công trình khắc phục sạt lở kè khu dân cư xã Cà Ná (Thuận Nam) và công trình khắc phục sạt lở kè tại khu phố Ninh Chữ 1 (Ninh Hải), do Chi cục Thủy lợi và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ninh Hải làm chủ đầu tư triển khai các biện pháp thi công hiệu quả, phù hợp trong tình hình mưa bảo; đảm bảo an toàn cho người, thiết bị tại công trình...

Phòng ngừa trường hợp do hoàn lưu của bão thường xuất hiện các đợt mưa lớn, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn các công trình thủy lợi để có phương án quản lý, vận hành đảm bảo an toàn, hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du; triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã cử lực lượng xuống nắm bắt các địa bàn trọng điểm, có nguy cơ gây sạt lở cao và thực hiện sơ tán dân khi có tình xấu xảy ra, nhất là ở địa bàn thuộc khu vực miền núi. Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng (Thuận Bắc), cho biết: Trong những ngày qua, trên địa bàn xã có mưa liên tục, xã đã phân công lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên và người dân túc trực, cắm biển báo tại các tuyến đường có nguy cơ sạt lở đất đá do mưa lũ như đoạn bờ tràn đi qua thôn Đá Liệt, Suối Le và khu vực người dân sinh sống gần hồ Bà Râu để cấm người qua lại, lên phương án di dời dân tại khu vực núi Đá Lăn khi mưa kéo dài.

Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong những ngày tới, tình hình mưa lớn và gió mạnh trên biển vẫn còn diễn ra, do đó đề nghị các đơn vị và địa phương được giao nhiệm vụ tiếp tục quản lý chặt chẽ các phương tiện tàu thuyền ra khơi, giữ liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi sát tình hình diễn biến của bão số 7, mưa lũ để có dự báo và cảnh báo cho người dân nắm bắt, chủ động phòng, tránh kịp thời.