Nhận thức được tầm quan trọng của công tác CCHC, UBND xã Phước Sơn đã chỉ đạo bộ phận “một cửa” hỗ trợ người dân trong việc thực hiện TTHC; hướng dẫn người dân đăng ký các thủ tục trực tuyến. Đồng thời, thực hiện việc niêm yết đầy đủ công khai các loại giấy tờ, TTHC tại bộ phận “một cửa” theo quy định. Qua đó, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) trong việc tra cứu, theo dõi và thực hiện TTHC. Ông Thái Văn Lai, thôn Ninh Quý 2 cho biết: Mỗi khi cần làm giấy tờ, hồ sơ tại bộ phận “một cửa” được cán bộ phụ trách hướng dẫn tận tình nên xử lý các yêu cầu nhanh chóng, thuận lợi. Những lúc đông người, tôi được cán bộ phụ trách ghi giấy hẹn để không phải đợi lâu. Còn chị Hồ Thị Phượng, thôn Phước Thiện 3 cho biết: Lúc đầu, tôi gặp khó khăn trong việc thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng nhờ cán bộ phụ trách hướng dẫn tận tình nên tôi quen với các thao tác. Nhờ vậy, các TTHC giải quyết nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại nhiều lần.
Đồng chí Võ Quan Ân, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết: Để hỗ trợ người dân giải quyết TTHC, xã đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của bộ phận “một cửa” hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, nộp hồ sơ qua mạng; cài đặt các phần mềm giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” và “một cửa liên thông” để các phòng, ban chuyên môn tiếp nhận giải quyết TTHC và trả kết quả, giảm bớt thời gian giải quyết TTHC cho người dân... Trong 10 tháng, xã đã tiếp nhận 2.988 hồ sơ của người dân, trong đó có 2.476 hồ sơ trực tuyến qua mạng; giải quyết trước hạn 2.571 hồ sơ...
Cán bộ tại bộ phận “một cửa” và “một cửa liên thông” xã Phước Sơn hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.
Xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, huyện Ninh Phước đã xây dựng, ban hành các kế hoạch thực hiện hiệu quả công tác CCHC; từng bước đổi mới nội dung, hình thức chỉ đạo thực hiện CCHC phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương. Huyện tập trung rà soát các văn bản để chấn chỉnh những sai sót giữa các văn bản hành chính; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc CCHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác giải quyết TTHC; thực hiện việc niêm yết đầy đủ các loại giấy tờ, THHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại trụ sở cơ quan, đơn vị, địa phương, trên trang thông tin điện tử và tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đúng quy định, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, DN trong việc tra cứu, theo dõi và thực hiện TTHC. Đồng thời, tăng cường việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị, nhằm kịp thời phát hiện chấn chỉnh những hạn chế trong hoạt động thực thi công vụ tại cơ quan, đơn vị. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, công chức nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi và sự hài lòng của người dân, DN trong việc giải quyết TTHC tại địa phương.
Cùng với đó, để hướng đến xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, huyện đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo kết nối dữ liệu, kết nối liên thông trong các cơ quan, đơn vị và hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để người dân, DN thực hiện việc nộp hồ sơ qua mạng; chỉ đạo các địa phương đăng ký tài khoản trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia để giải quyết THHC, giúp rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo sự hài lòng của người dân, tổ chức, DN khi đến giao dịch giải quyết TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối dữ liệu, kết nối liên thông trong hoạt động của cơ quan, đơn vị hành chính. Đồng thời, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong dịch vụ công trực tuyến... Đến nay, 100% các cơ quan chuyên môn có mạng nội bộ, kết nối mạng internet, mạng rộng; 100% các phòng, ban, UBND xã, thị trấn được cài đặt các phần mềm văn phòng điện tử... giúp việc thực hiện trao đổi hai chiều góp phần tiết kiệm giấy tờ, trao đổi thông tin được nhanh chóng, kịp thời hiệu quả.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác CCHC, quy trình TTHC tại các cơ quan, đơn vị đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ, tạo được niềm tin với người dân, tổ chức, DN khi thực hiện TTHC tại địa phương. Trong 10 tháng, tại bộ phân “một của liên thông” cấp huyện đã tiếp nhận và giải quyết 1.588 hồ sơ, trong đó 1.434 hồ sơ trực tuyến, đạt 90%. Đã giải quyết trước hạn và đúng hạn 1.479 hồ sơ, đạt 98,55%, đang giải quyết 44 hồ sơ... Qua kết quả giải quyết TTHC, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đồng chí Ngô Khánh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Để hướng tới hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền số, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác điều hành CCHC; tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, DN, góp phần nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tiến Mạnh