Làng gốm Bàu Trúc tích cực hưởng ứng cuộc thi “Thiết kế sản phẩm gốm Chăm làm quà tặng của tỉnh Ninh Thuận”

Hưởng ứng cuộc thi “Thiết kế sản phẩm gốm Chăm làm quà tặng của tỉnh Ninh Thuận” (cuộc thi), những ngày này, các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) đã chuẩn bị xong ý tưởng và đang trong quá trình hoàn thiện các tác phẩm gửi về Ban tổ chức.

Gần một tháng nay, sau khi hoàn tất các sản phẩm gốm theo đơn đặt hàng của các khách hàng trong và ngoài tỉnh, nghệ nhân Đàng Thị Hoa lại ngồi vào bàn vẽ phác thảo 3 bình gốm đặc biệt sẽ được chị gửi đi tham gia cuộc thi. Nghệ nhân Đàng Thị Hoa được mệnh danh là “bàn tay vàng” của làng gốm Bàu Trúc, đã chế tác nhiều sản phẩm gốm Chăm, từ gốm truyền thống phục vụ sinh hoạt đến gốm mỹ nghệ trang trí nội thất. Đặc biệt, chị Hoa chính là tác giả của các bình gốm Chăm được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam làm quà tặng Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Do đó, khi được thông tin về cuộc thi “Thiết kế sản phẩm gốm Chăm làm quà tặng của tỉnh Ninh Thuận”, chị rất háo hức và ngay lập tức đăng ký tham gia. Chị Hoa chia sẻ: Tôi đăng ký tham gia 3 tác phẩm là 3 bình gốm có các kích thước khác nhau nhưng đều phù hợp để làm quà tặng. Đây là các sản phẩm có tính ứng dụng cao, có thể dùng cắm hoa hoặc trang trí tại nơi ở và văn phòng làm việc. Tôi đã nghiên cứu đưa các hoa văn cổ trên tấm thổ cẩm của người Chăm vào trang trí trên bình gốm, quai bình được cách điệu theo dáng hình của vũ nữ Apsara, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa mang tính biểu trưng cao cho tác phẩm. Ba bình gốm được thiết kế khác nhau, là độc bản, chưa từng có trước đây, hy vọng sẽ được chọn để làm quà tặng cho các đại biểu trong và ngoài nước, góp phần quảng bá, bảo tồn và phát triển nghệ thuật làm gốm truyền thống của các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc nói riêng, cũng như của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận nói chung.

Nghệ nhân Đàng Thị Hoa tạo hình cho bình gốm tham gia cuộc thi.

Tại cơ sở sản xuất gốm Mỹ Tiên của gia đình bà Đàng Thị Chiều, không khí chuẩn bị cho cuộc thi có phần náo nhiệt hơn bởi các thành viên của gia đình đều được huy động tham gia dự thi. Bà Đàng Thị Chiều đăng ký tham gia 3 bình gốm với những hoa văn cổ của người Chăm; con trai là Đổng Quang Tường dự thi 2 phù điêu Chăm và 1 tượng tháp Chăm; còn con gái Đổng Thị Mỹ Trinh giỏi về công nghệ sẽ phụ trách chụp ảnh và chuẩn bị bản thuyết minh sản phẩm. Bà Đàng Thị Chiều phấn khởi cho biết: Theo tôi, cuộc thi là một hoạt động thiết thực và có ý nghĩa đối với quá trình bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm khi được UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đồng thời, thông qua sự kiện này có thể phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân làm gốm. Và điều đặc biệt, khi các sản phẩm gốm Chăm được lựa chọn để làm quà tặng sẽ đồng thời quảng bá sản phẩm của làng nghề, giúp nhiều du khách và khách hàng biết đến sản phẩm gốm của đồng bào Chăm Ninh Thuận, giúp phát triển thương hiệu và nâng cao giá trị cho gốm Chăm, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề.

Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cho biết, đến nay trên địa bàn khu phố đã có 25 cơ sở và hợp tác xã sản xuất gốm đăng ký các sản phẩm tham gia cuộc thi. Các sản phẩm chủ yếu là bình gốm dùng trang trí nội thất, mô hình quần thể tháp Pô Klong Garai, tượng Apsara và các sản phẩm gốm mỹ nghệ phù hợp để làm quà tặng. Theo kế hoạch, Ban tổ chức sẽ tiếp nhận hồ sơ và sản phẩm đăng ký dự thi đến hết ngày 30/11/2024 và tổ chức trao giải vào ngày 30/12/2024.