Theo thống kê của Tòa án tỉnh, từ năm 2006 đến nay, các tòa án địa phương trong tỉnh đã thụ lý và giải quyết lên tới 3.806 vụ ly hôn, nguyên nhân xuất phát từ các hình thức bạo lực như: Bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực thể xác .
Theo ông Lê Xuân Lợi, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa- gia đình - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ như quan niệm gia trưởng “trọng nam, khinh nữ”; mâu thuẫn trong cách thức giáo dục con cái; kinh tế gia đình khó khăn cũng là áp lực nặng nề về mặt tâm lý, tình cảm, dễ nảy sinh bạo lực; tệ nạn xã hội xâm nhập vào cuộc sống vợ chồng; thiếu thủy chung… Dễ dàng nhìn thấy nhất là bạo lực về thể xác do uống rượi, bia say xỉn, nghiện ma túy và cờ bạc của người chồng... Đối tượng bị bạo lực phần đông là phụ nữ yếu thế nhưng họ âm thầm chịu đựng, xem đó như là số phận!
Bạo lực không dừng lại ở gia đình ít học, với những vợ chồng có tri thức thì bạo lực ở “cấp cao” hơn; các đối tượng này chủ yếu bị bạo lực về tinh thần. Vì một sai lầm trong quá khứ, thế nên khi cưới nhau về, chị D. T. K, một giáo viên ở xã Xuân Hải (Ninh Hải) luôn bị chồng là anh L.T.N chì chiết, “nói bóng gió” khiến cuộc sống của chị lúc nào cũng “căng như dây đàn”. Đã hơn 3 năm chị chấp nhận sống như vậy, vì nghĩ đó là lỗi của mình nên đành cam chịu.
Rất ít chị em nhận thức được và “vùng dậy” đấu tranh vì lợi ích của chính bản thân mình. Đứng trước tòa, chị N.T.N, ở xã Phước Hải (Ninh Phước) không giấu dòng nước mắt: “Tôi và anh T. V. Đ cưới nhau được 2 năm, lên TP. Hồ Chí Minh sống khi con mới 9 tháng tuổi. Thời gian sau mỗi khi đi làm về say xỉn, anh hay đánh tôi. Nhiều lần như vậy, dù thương con nhỏ nhưng tôi đã quyết định giải thoát mình bằng việc xin tòa cho ly hôn”.
Để giữ gìn thể diện và sự “hạnh phúc” của gia đình, nhiều người bị bạo lực không dám tìm đến sự giúp đỡ từ bên ngoài và đành cam chịu. BLGĐ gây ra những hậu quả trực tiếp về chi phí chăm sóc và phục hồi sức khỏe nạn nhân. Ngoài ra cũng dẫn tới nhiều hậu quả gián tiếp khác về kinh tế - xã hội như tăng tình trạng bệnh tật, mất khả năng tham gia sản xuất, nặng hơn là tử vong.
Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều biện pháp tích cực trong việc phòng, chống BLGĐ như: Tuyên truyền, giáo dục về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức các hội thi về phòng, chống BLGĐ,… song song đó, ở các xã, phường thành lập nhiều câu lạc bộ như: CLB gia đình 5 không, 3 sạch; CLB phòng, chống BLGĐ,… Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Thuận (Ninh Phước) cho biết: “ Đây là chuyện riêng của từng nhà nên rất khó có thể can thiệp. Để hạn chế tình trang BLGĐ, Hội Phụ nữ xã tích cực tuyên truyền bằng tổ chức các buổi tuyên truyền Luật Bạo lực gia đình cho các chị em, đồng thời 7 thôn trong xã đều thành lập CLB Phòng, chống BLGĐ, nên trong thời gian qua, tình trạng BLGĐ trên địa bàn giảm dần, chưa xảy ra vụ nào nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, hoạt động can thiệp ở một số địa phương chưa có hiệu quả cao. Công tác hòa giải chủ yếu tiến hành đối với những trường hợp bạo lực về thể chất đã rõ ràng. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết, xử lý. Bên cạnh đó, việc trang bị phương pháp, kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công tác hòa giải, tư vấn và trợ giúp nạn nhân cũng như giáo dục người có hành vi bạo lực chưa được quan tâm đúng mức. Việc kiểm tra và cập nhật thông tin chưa đầy đủ, chưa có sự phân công rõ ràng…Vì thế tình trang BLGĐ vẫn diễn ra và phức tạp hơn.
Ông Lê Xuân Lợi cho biết thêm : “Rất khó để biết được tình trạng bạo lực trong các gia đình, có thể người dân báo lên chính quyền, thế nhưng người trong cuộc không thừa nhận, ngậm ngùi cho qua nên cũng không xử lý được. Mặt khác, vấn đề này chưa được xã hội quan tâm, thiếu đội ngũ chuyên viên, cán bộ phụ trách nên khó nắm bắt sự việc. Vì thế, cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống BLGĐ để người dân hiểu rõ hơn. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, cần có sự chung tay của toàn xã hội, huy động được sự tham gia tích cực của các ngành chức năng, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân” .
Minh Khai