Tập trung thực hiện hiệu quả Đề án 06

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, từng bước hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Tính đến hết quý III/2024, số lượng dịch vụ công (DVC) trực tuyến của tỉnh là 1.068 dịch vụ, trong đó có 580 DVC trực tuyến toàn trình (đạt 53,8%); đồng bộ trạng thái và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.068/1.068 DVC trực tuyến, đạt 100%. Hai nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng) đã hoàn thành kết nối, tích hợp toàn diện, đảm bảo người dân có thể nộp hồ sơ đối với 2 nhóm TTHC liên thông theo Nghị định số 63/2024/NĐ-CP trên hệ thống. Đối với công tác an sinh xã hội, đã tổ chức thu thập thông tin và mở tài khoản cho 16.923 đối tượng hưởng an sinh xã hội, đạt 63,16% (vượt 33,16% theo chỉ tiêu giao của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 16.467 đối tượng, đạt 97,31% với tổng số tiền hơn 33,2 tỷ đồng. Về công tác thu nhận hồ sơ căn cước công dân/căn cước, tổng số nhân khẩu thường trú trên địa bàn được cấp thẻ là 622.839 nhân khẩu thường trú đủ điều kiện, đạt 83%; về công tác thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đã kích hoạt 383.838 tài khoản, đạt 66% nhân khẩu đủ điều kiện trên địa bàn. Về một số tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là lĩnh vực y tế, việc sử dụng thẻ căn cước công dân tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm xã hội phục vụ người dân đi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế đạt 86,1%. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt bằng các phương thức khác nhau như: Đặt POS, quét mã QR, chuyển khoản qua số tài khoản hoặc dùng ví điện tử tại các trung tâm y tế...

Đại tá Lê Quang Đồng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai Đề án 06 đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Cụ thể: Đối với DVC, người dân còn gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử do trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế cũng như không quen với các thuật ngữ trên không gian mạng; cán bộ tiếp nhận giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” các cấp vẫn phải làm thay, làm hộ người dân thi thực hiện các TTHC... do đó, ảnh hưởng đến kết quả tiếp nhận hồ sơ và giải quyết trên Cổng DVC quốc gia; phần mềm liên thông thực hiện 2 nhóm TTHC đôi lúc còn phát sinh lỗi hệ thống đường truyền ảnh hưởng đến việc giải quyết TTHC cho công dân, dẫn đến số lượng nộp hồ sơ trên phần mềm liên thông chưa cao. Đối với công tác số hóa dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch và số hóa dữ liệu đất đai, khó khăn nằm ở phần nguồn lực và nhân lực dẫn đến chậm trễ. Cuối cùng là phần triển khai các mô hình của Đề án 06. Qua rà soát, tổng hợp 44 mô hình theo Công văn số 4043/CV-TCTTKĐA ngày 13/6/2023 của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, tỉnh đã triển khai thực hiện 25/44 mô hình, 19 mô hình còn lại chưa triển khai do khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, một số mô hình có nhiều nội dung mới, đòi hỏi có nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị và người dân, như: Mô hình thuộc lĩnh vực của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lĩnh vực ngân hàng, mô hình số hóa tạo lập dữ liệu trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...; một số mô hình còn phụ thuộc vào tiến độ của bộ, ngành trung ương. Đối với 19 mô hình triển khai tại Hà Nội theo Công văn số 2643/TCTTKĐA ngày 7/8/2024 của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, hiện đã triển khai 9/19 mô hình, còn lại 10 mô hình chưa triển khai bởi chưa phù hợp với tình hình ở địa phương.

Để thực hiện hiệu quả Đề án 06, góp phần tích cực trong đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đề ra nhiều biện pháp cụ thể, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới; trọng tâm là triển khai các giải pháp đẩy mạnh tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết TTHC trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC của tỉnh đối với 25 DVC thiết yếu của Đề án 06, 28 DVC theo Quyết định số 422/QĐ-TTg, nhất là đối với 2 DVC liên thông, phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt trên 80% và đến năm 2025 đạt 100% tiếp nhận và giải quyết TTHC trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của Đề án 06 mang lại bằng nhiều hình thức từ thường xuyên, cá biệt để người dân, doanh nghiệp nắm rõ tiện ích của tài khoản định danh điện tử trong thực hiện giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử phục vụ công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính và thực hiện nhu cầu giao dịch của công dân và doanh nghiệp trên cổng DVC phục vụ xác thực, giao dịch trên môi trường điện tử hiệu quả. Trong đó, tổ chức tuyên truyền rộng rãi để quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp biết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, cũng như nội dung, giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không dùng tiền mặt, góp phần tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.