Thuận Bắc, Ninh Hải: Triển khai các phương án ứng phó thiên tai, mưa lũ

Bước vào thời điểm cuối năm, tình hình mưa lũ diễn biến hết sức phức tạp, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, huyện Thuận Bắc, Ninh Hải chủ động triển khai đồng bộ các phương án, nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Huyện Thuận Bắc là địa phương có nhiều xã nằm ở khu vực miền núi, có độ dốc cao nên dễ xảy ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, đá, gây ngập cục bộ ở một số khu vực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và tính mạng của người dân. Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, cho biết: Nhận thức rõ mức độ thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra, hằng năm huyện đều rà soát, bổ sung, kiện toàn hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện; xây dựng cụ thể, chi tiết kế hoạch, phương án, giải pháp ứng phó sát với thực tế trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm phòng ngừa, xử lý, khắc phục hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra.

Tàu thuyền ngư dân huyện Ninh Hải neo đậu tại cảng cá Ninh Chữ (Ninh Hải).

Trên cơ sở rà soát, xác định tại những vị trí thường hay bị ngập lụt, lực lượng các xã tiến hành ra quân nạo vét lòng suối, khơi thông dòng chảy, gia cố đảm bảo tại các điểm xung yếu. Đồng thời, tập trung ưu tiên cứu hộ, cứu nạn tại những điểm thường hay xuất hiện lũ ống, lũ quét như: Thôn Kiền Kiền, Bà Râu (xã Lợi Hải); Ba Tháp, Gò Sạn (xã Bắc Phong), Xóm Đèn, Suối Giếng (xã Công Hải); các vị trí có khả năng sạt lở cao như: Thôn Đá Mài Trên, Cầu Đá (xã Phước Kháng), Động Thông (xã Phước Chiến), Xóm Bằng, Láng Me (xã Bắc Sơn); vùng có khả năng bị lũ lụt chia cắt tại bờ tràn Suối Rách, đoạn từ hồ Sông Trâu qua xã Phước Chiến, tràn đi từ thôn Đá Liệt, Suối Le (xã Phước Kháng), thôn Bình Tiên (xã Công Hải)... Từ việc khoanh vùng các vị trí trọng điểm, huyện chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã tăng cường phối hợp, vận dụng hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, huy động tổng lực về người và phương tiện tổ chức ứng phó.

Ngoài ra, với 4 công trình thủy lợi và hàng chục hệ thống sông suối trên địa bàn phần lớn đều nằm ở khu vực đầu nguồn có độ dốc cao, nên mỗi khi lượng nước đổ về rất lớn. Nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình cũng như khu dân cư sinh sống vùng hạ lưu, công tác phòng, chống lụt bão tại các hồ chứa cũng được triển khai quyết liệt. Trạm Thủy nông huyện thực hiện nghiêm ngặt quy trình vận hành các hồ chứa, thông báo cho chính quyền địa phương ít nhất 6 giờ trước khi tiến hành xả lũ. Bên cạnh đó, huy động lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, các phương tiện kịp thời đến ứng cứu, nhanh chóng sơ tán dân tại vùng ngập lụt; kêu gọi, hướng dẫn di chuyển tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khu vực Bình Tiên (xã Công Hải) thực hiện các biện pháp neo đậu, gia cố an toàn.

Tại huyện Ninh Hải, để công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả, UBND huyện đã phân công cụ thể trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

Là địa phương có bờ biển dài 58km, với 3 xã và 1 thị trấn nằm ven biển, với tinh thần chủ động, UBND tăng cường chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phối hợp cùng với các đồn biên phòng, cảng cá nằm trên địa bàn thường xuyên nắm bắt tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn để thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, truyền trưởng nắm bắt; duy trì kết nối thông tin liên lạc trong suốt quá trình hoạt động trên biển, khẩn trương di chuyển, neo đậu tại cửa biển Vĩnh Hy, khu vực cảng cá Mỹ Tân, cảng Ninh Chữ khi có bão xảy ra; tổ chức gia cố, chằng chống lồng bè nuôi thủy sản an toàn.

Cùng với đó, tiến hành kiểm tra những khu vực, địa bàn mục tiêu trọng điểm cần được ưu tiên cứu nạn, cứu hộ khi lũ, bão xảy ra như: Xã Xuân Hải, Tân Hải, Phương Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải và vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất gồm các tuyến đường Xuân Hải - Phước Trung, Tỉnh lộ 702, 704 và tuyến đường ven biển Vĩnh Hy - Bình Tiên. Tại những khu vực này, huyện tổ chức cắm biển báo, thống kê từng hộ dân nằm trong vùng nguy cơ và triển khai phương án di dời ra khỏi vùng nguy hiểm khi có mưa lũ xảy ra.

Đồng chí Trần Minh Thái, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, cho biết: Đến nay, kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, mọi vật tư, thiết bị cứu nạn, cứu hộ đã được chuẩn bị đầy đủ. Địa phương hiện đang tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi và tiến hành tu sửa những hạng mục hư hỏng; đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị đẩy nhanh thi công các công trình bờ kè chắn sóng, chống sạt lở ven biển, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa, lũ.