Chuyển biến tích cực
Đồng chí Nguyễn Kim Long, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 2.401 chiếc tàu cá từ 6m trở lên; trong đó có 887 tàu từ 15m trở lên. Để nâng cao kiến thức pháp luật cho ngư dân, Chi cục đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên tuyền, phổ biến pháp luật như thông tin trên Trang thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), phát trên các phương tiện thông tin đại chúng (loa truyền thanh) của thôn và các khu phố, cấp phát tờ rơi cho các chủ tàu; tổ chức cho chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết chấp hành các quy định trong hoạt động đánh bắt thủy sản, không báo cáo, không theo quy định, không sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản trên biển; lắp đặt các pano, áp phích tuyên truyền về chống khai thác bất hợp pháp tại các cảng cá để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn được biết và chấp hành... Song song đó, hoạt động giám sát tàu cá đã được đồng bộ và có sự phối hợp thống nhất giữa các lực lượng khác nhau; các cảng cá đã phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh và Chi cục Thủy sản tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi rời cảng đi tham gia khai thác hải sản trên biển; thực hiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác theo đúng quy trình, quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật...
Trong 10 tháng đầu năm 2024, các đơn vị chức năng của tỉnh đã tổ chức kiểm tra 300 lượt tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển, qua phát hiện xử phạt 16 trường hợp/20,085 triệu đồng; phối hợp với biên phòng xử lý 123 trường hợp/507 triệu đồng, trong đó có 6 trường hợp/160 triệu đồng vi phạm các quy định về VMS và hoạt động sai vùng tuyến.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cà Ná (Thuận Nam) tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân
về chống khai thác IUU. Ảnh: T.Mạnh
Theo Sở NN&PTNT, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều nhiệm vụ vẫn còn tồn tại chưa hoàn thành, cũng như chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể: Vẫn còn tàu cá đã đăng ký chưa thực hiện cấp, cấp lại giấy phép khai thác thủy sản (giấy phép hết hạn); tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) đã được UBND tỉnh công bố, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức quản lý, nhưng đến hiện tại chỉ một số lượng ít tàu cá tiến hành thủ tục hành chính (đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản). Tình trạng tàu cá ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản vẫn chưa được chấp hành một cách nghiêm túc; công tác triển khai truy xuất nguồn gốc từ Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) vẫn còn nhiều hạn chế, gặp nhiều khó khăn... Mặc khác, hoạt động xử phạt vi phạm hành chính về VMS còn thấp, vì công tác xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS cần phải có quá trình điều tra, xác minh, đấu tranh để xử lý vi phạm hành chính, việc sử dụng dữ liệu giám sát hành trình để xử phạt vi phạm hành chính (cơ chế “phạt nguội”) cần sự phối hợp từ nhiều lực lượng chức năng và các chính quyền địa phương...
Nâng cao hiệu quả quản lý
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Để sớm khắc phục những hạn chế nêu trên, đơn vị đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tập trung cao điểm chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn ven biển tổ chức thống kê rà soát lại các vị trí các bãi ngang, bến cá tự phát cho tàu cá bốc dỡ sản phẩm, lập danh sách; tại các bãi ngang, bến cá tự phát cần có “Bảng thể hiện rõ nội dung khu vực cấm bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác, hướng dẫn cảng được bốc dỡ sản phẩm và thông báo mức xử phạt khi không vào cảng cá bốc dỡ sản phẩm”; chủ trì và phối hợp với cơ quan, lực lượng chức năng có biện pháp cụ thể, tập trung vận động tuyên truyền, bắt buộc các tàu cá phải bốc dỡ sản phẩm qua các cảng đã được công bố mở cảng theo quy định. Về vận hành, quản lý thiết bị VMS, để tăng cường tính cơ động trong thông báo mất tín hiệu kết nối giám sát hành trình đến chủ tàu, đảm bảo cơ sở trong công tác xác minh và xử lý vi phạm hành chính, ứng dụng 4.0 đối với công tác lưu trữ hồ sơ, thông tin đối với tàu cá mất tín hiệu kết nối giám sát hành trình trên VMS, Sở NN&PTNT đã đề nghị Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm đầu tư giải pháp về “Hệ thống cảnh báo tự động thông minh” do VTC cung cấp (là đơn vị đang phát triển hệ thống giám sát tàu cá của Cục Thủy sản). Về công tác quản lý tại các cảng cá, đối với nhiệm vụ mới phát sinh theo quy định tại Luật Thủy sản 2017, đề nghị UBND tỉnh quan tâm cấp kinh phí để Ban Quản lý khai thác các cảng cá thực hiện tốt các nhiệm vụ phát sinh ngoài phương án tự chủ được phê duyệt.
Song song đó, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU và chuẩn bị làm việc với thanh tra của EC lần thứ 5, trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn tỉnh đảm bảo nắm chắc thực trạng (số lượng tàu, tàu cá đã hoặc chưa hoặc hết hạn đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; tàu cá đã chuyển nhượng, mua bán, xóa đăng ký; tàu cá hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá chưa lắp thiết bị VMS...); xử lý triệt để theo quy định của pháp luật tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản. Phối hợp với địa phương tổ chức làm việc, trực tiếp hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép (gồm cả tàu 3 không) và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase. Phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ, quyết liệt, vừa tuyên truyền, vận động, vừa theo dõi, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ và trên biển, kiên quyết ngăn chặn không để ngư dân tỉnh Ninh Thuận vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Xuân Nguyên