Huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế -xã hội

(NTO) Nhằm thu hút các nguồn lực, dự án đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế-xã hội, trong giai đoạn 2009-2011, tỉnh ta đã chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả công tác thu hút đầu tư. Kết quả, “làn sóng” đầu tư vào tỉnh ta tăng mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Những kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2009-2011, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua số lượng dự án và quy mô vốn thu hút tăng, nhất là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, nếu như giai đoạn 2006-2008, toàn tỉnh thu hút được 52 dự án, với tổng kinh phí đầu tư 8.129,5 tỷ đồng; thì giai đoạn 2009-2011, toàn tỉnh có 470 dự án (trong đó có 314 dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý, 25 dự án ODA và 131 dự án các thành phần kinh tế khác), với tổng vốn gần 69.652,6 tỷ đồng. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực trong kêu gọi, huy động các nguồn lực từ bên ngoài đầu tư vào phát triển trên địa bàn tỉnh. Các nguồn vốn đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, công nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Thi công tuyến đường ven biển, đoạn Phú Thọ - Mũi Dinh. Ảnh: Thanh Long

Đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh, cho biết: “Để thu hút đầu tư có hiệu quả, trong giai đoạn 2009-2011, tỉnh ta đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh”. Cụ thể, trong năm 2009, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh thuê tư vấn nước ngoài xây dựng chiến lược phát triển của tỉnh, lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh vào tháng 10-2009; hội nghị công bố quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh năm 2011; tổ chức họp báo và kêu gọi đầu tư ở các TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… UBND tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, ban hành một số chính sách ưu đãi đối với dự án xã hội hóa. Tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và huy động các nguồn lực đầu tư mới để nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông. Việc xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh như: tuyến đường ven biển Bình Tiên-Cà Ná, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ… đã góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, tỉnh còn quy hoạch, phát triển một số khu, cụm công nghiệp; ban hành các chính sách khuyến khích kịp thời, thiết thực để thu hút đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp. Tỉnh còn chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”, thành lập Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO), kết hợp nhiều chính sách về thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…

Giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư

Với mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển kinh tế, việc thu hút đầu tư có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Theo kiến nghị của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, để thu hút các dự án đầu tư có hiệu quả, UBND tỉnh cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư.

Thi công tuyến đê biển Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.

Muốn vậy, tỉnh ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân về thực hiện chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển phát triển KT-XH; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư và triển khai dự án đầu tư; công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách về đầu tư và lành mạnh hóa môi trường đầu tư của tỉnh. Tích cực tranh thủ các nguồn vốn viện trợ, hỗ trợ của Trung ương và huy động mọi nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, điện, y tế, giáo dục và các lĩnh vực xã hội... được xác định là những công trình, dự án trọng điểm, bức xúc trên địa bàn. Thực hiện tốt cơ chế tài chính trong việc khai thác sử dụng quỹ đất hiện có, tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các lĩnh vực dịch vụ, y tế, giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao... theo hình thức xã hội hóa.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi các đối tác lớn, thu hút nhà đầu tư có tiềm năng tập trung các dự án lớn làm động lực thúc đẩy phát triển KT- XH của tỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” để giảm bớt thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư; tập trung cao cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn.