Lãi suất âm: Chiến tranh tiền tệ và thương mại đang cận kề ?

Gần đây, nhiều ngân hàng trung ương các nước trên thế giới như: Ngân hàng châu Âu (ECB), Thụy Sỹ (SNB), Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan… đã cho hạ lãi suất xuống ngưỡng 0%, thậm chí âm %. Trái phiếu ngắn hạn có xếp hạng AAA của Phần Lan và Hà Lan cũng hạ lãi suất về gần 0, thị trường đang lo ngại về cuộc chiến tranh tiền tệ và thương mại đang cận kề.

Cuộc đua lãi suất về 0 và âm %

Một xu hướng mới đang hình thành trên các thị trường trái phiếu châu Âu là nhà đầu tư sẵn sàng cho một số Chính phủ vay tiền nhưng không nhận lãi suất, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

ECB là tổ chức mới nhất hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản xuống 0,75%. Điều này làm dấy lên những gì được gọi là kỳ quan thứ 8 của khủng hoảng tài chính - viễn cảnh Pháp tăng tiền ngắn hạn với lãi suất âm.

Có vẻ như các biện pháp kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương
chưa đủ sức thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư (Ảnh: internet)

Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm của Đức cũng giảm xuống dưới ngưỡng 0% khi chạm mức thấp kỷ lục -0,5% trong tuần qua. Ít nhất về mặt lý thuyết thì điều này có nghĩa là nhà đầu tư có thể mất tiền nếu nắm giữ loại trái phiếu này.

Đức là nền kinh tế lớn nhất Eurozone và trái phiếu Chính phủ nước này được xem là một trong những tài sản an toàn nhất đối với những nhà đầu tư luôn né tránh điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Tuy nhiên, cuộc đổ xô vào các tài sản an toàn ngày càng lan rộng, diễn ra đồng thời với việc các nhà đầu tư tìm kiếm nơi có mức sinh lời cao hơn.

Tuần qua, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Pháp cũng bắt đầu mang giá trị âm trong khi lãi suất trái phiếu cùng kỳ hạn của Đan Mạch và Thụy Sỹ ngày càng giảm sâu xuống ngưỡng 0%. Tương tự, lãi suất đối với số trái phiếu ngắn hạn có xếp hạng AAA của Phần Lan và Hà Lan xuống mức thấp kỷ lục.

Đức và Hà Lan cũng có thể bán nợ với lãi suất âm, trong khi các ngân hàng Đan Mạch cuối cùng sẽ trả cho ngân hàng trung ương nước mình hàng trăm triệu mỗi năm sau khi ngân hàng trung ương hạ lãi suất chứng chỉ huy động xuống âm 0,2%.

SNB (Thụy Sỹ) đang đấu tranh với cuộc chiến ngăn đồng tiền tăng giá, duy trì một chính sách mạo hiểm và tốn kém khi đặt trần tỷ giá đồng franc của họ với đồng euro. Điều này buộc SNB phải mua vào đồng euro khi tỷ giá hối đoái chạm mức 1,2 franc Thụy Sỹ đổi 1 euro.

Động thái này giúp dự trữ ngoại hối của Thụy Sỹ tăng lên 376 tỷ USD, tăng hơn 60 tỷ USD chỉ trong tháng 6. Chiến lược gia tiền tệ của FxPro Michael Derks chỉ ra rằng, lượng lớn tiền mặt có thể được Thụy Sỹ phân bổ lại thành các đồng tiền khác, do đó gây áp lực lên các đồng tiền khác như: USD và đồng yên.

Động thái đóng cửa các tài khoản thị trường tiền tệ bằng đồng euro của JP Morgan, Goldman Sachs và BlackRock trước sự yếu ớt của ECB cũng cho thấy. Trong khi điều này chắc chắn sẽ đẩy một số nhà đầu tư vào các khoản đầu tư rủi ro cao hơn trong khu vực đồng euro. Vì thế, nhiều người khác cũng sẽ chọn phương án mang tiền của mình đi nơi khác an toàn hơn.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, chính sách này có thể là buộc tiền tệ từ bên ngoài vào các khoản đầu tư rủi ro cao hơn, tất cả các ngân hàng trung ương đều hiểu rằng một số tiền đó sẽ rời khỏi khu vực tiền tệ của họ và điều này khiến hàng hóa xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn, điều đó dẫn tới hiệu ứng kích cầu nền kinh tế.

Nguy cơ chiến tranh thương mại

Chiến tranh tiền tệ là một biện pháp mạnh mẽ và trải rộng để chỉ ra sự khác biệt giữa các đồng tiền bị định giá thấp với các đồng tiền được định giá cao.

Theo OECD) và IMF thì hiện nay đồng franc Thụy Sỹ đang được định giá cao hơn 34%, đồng yên cao hơn 25% giá trị thực của nó; các đồng tiền đang được định giá thấp tại nhiều thị trường mới nổi như: đồng real của Brazil đang thấp hơn 12% giá trị, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được định giá thấp hơn tới 54% và đồng rupee Ấn Độ thì thấp hơn tới 188%.

Trong khuôn khổ của chiến tranh tiền tệ sẽ dẫn tới sự phân tán tiền tệ mạnh mẽ khi các nước nhấn mạnh lợi thế của mình. Tuy nhiên, khi xem xét 10 đồng tiền mạnh nhất trên thị trường hiện nay, chênh lệch giữa biểu hiện của đồng tiền tốt nhất và xấu nhất trong nửa đầu năm 2012 chỉ khoảng 6,7%. Trong khi nửa đầu năm 2011, mức chênh lệch này là gần 10,5%.

Brazil, quốc gia đã nỗ lực mạnh mẽ để chống lại dòng tiền nóng, mới đây cũng đã nhượng bộ. Trong tháng 6, nước này đã xóa bỏ một phần thuế đánh vào các khoản vay nước ngoài sau khi đồng real giảm mạnh. Điều này có vẻ như tạo ra một cơ hội để giảm căng thẳng tiền tệ. Việc đồng real lao dốc đã khiến các nhà đầu tư nhận ra rằng Brazil cũng không phải là nơi miễn dịch trước suy thoái toàn cầu.

Có thể thấy rằng Brazil cũng sẽ không là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu cơ đang tìm cách rời bỏ đồng euro hoặc đồng yên. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và ECB vẫn làm mọi cách để khuyến khích họ. Động lực tương tự để làm giảm giá đồng tiền cũng dẫn tới tranh chấp về chính sách thương mại.

Thị trường cũng đã không bất ngờ khi Mỹ tháng trước đã nộp đơn kiện lên WTO, cáo buộc Trung Quốc áp thuế bất công cho hơn 3 tỷ USD hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Điều này diễn ra ngay cả khi nhân dân tệ xuống thấp nhất trong năm 2012 so với USD trước triển vọng suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Khi thời gian tiến gần tới tháng 11 (bầu cử Tổng thống Mỹ), và trong khi Trung Quốc có thể sẽ vẫn giữ nguyên lập trường của mình trước mọi khiếu nại thương mại, và chúng sẽ không chỉ giới hạn giữa Mỹ và Trung Quốc, mang theo khả năng một hoặc nhiều bên khác sẽ tiến hành trả đũa trên thị trường tiền tệ, hoặc thông qua một vài hình thức kiểm soát vốn.

Điều này chính là lý do giải thích vì sao dự báo nguy cơ cuộc chiến tiền tệ và thương mại đang cận kề. Với những dấu hiệu giảm phát tại Trung Quốc và suy thoái tại EU, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ là nơi tiếp theo có những hành động. Chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết ông đang xem xét một loạt công cụ có thể áp dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ phát tín hiệu về một đợt mua trái phiếu mới (QE3) nhằm hạ thấp lãi suất dài hạn và khuyến khích vay mượn và chi tiêu. Tuy nhiên, dù FED có làm gì, một trong những tác động dự kiến sẽ là chính sách “đồng USD yếu” và hướng mục tiêu quay trở lại ECB.

Như vậy, có nhiều lý do khiến các nước giảm lãi suất về gần 0 hoặc âm. Rủi ro cao, triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu kém, áp lực giảm phát, trung hòa nơi trú ấn an toàn của tiền tệ... Đó cũng là giải pháp nhằm cân đối lại tiền tệ trên phạm vi toàn cầu và ổn định chính sách tài khóa trước những mối đe dọa suy thoái kinh tế thế giới vẫn đang hiện hữu. Vì thế, sự quan ngại về một cuộc chiến tiền tệ và thương mại đang cận kề là có cơ sở.

Nguồn Báo Nhân Dân