Hàng hóa Việt Nam - LB Nga không cạnh tranh trực tiếp

Theo các chuyên gia, con số 10 tỷ kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020 sẽ đạt được do thương mại hai nước đang có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển.

Chủ yếu bổ sung nhau

Bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga vẫn liên tục tăng trưởng.

Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, mỗi năm xuất khẩu khoảng 500 tỉ USD, nhập khẩu khoảng 380 tỉ USD. Có thể nói, cán cân thương mại của Nga luôn ở vị trí xuất siêu. Với dân số hơn 142 triệu người, lại là cửa ngõ quan trọng của thị trường Đông Âu từ lâu nay Nga đã trở thành đối tác chiến lược và là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng Việt Nam

Năm 2010, giá trị xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,45 tỷ USD, trong đó hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nga đạt 1,11 tỷ USD, tăng 60,07% so với cùng kỳ năm 2009. Năm 2011 đạt 2,12 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2010.

Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 5 tháng đầu năm 2012, kim ngạch thương mại song phương 2 nước đạt 918,8 triệu USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Dự báo trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang Nga sẽ đạt khoảng 1,41 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2011.

Gần đây hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỷ USD vào năm 2013.

Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật cho biết, sẽ nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 10 tỷ USD vào năm 2020.

Nga đang có nhu cầu khá lớn về thực phẩm, nông, thủy sản nhiệt đới.

Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của hai bên không cạnh tranh trực tiếp, chủ yếu là bổ sung nhau. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nga hàng nông sản, một số thiết bị điện, đồ gỗ, hàng nhu yếu phẩm…

Riêng với mặt hàng thuỷ sản, một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam vào Nga, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 60 nghìn tấn thủy sản.

Ông Maxim Golikov, Trưởng cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, Nga đang có nhu cầu khá lớn về thực phẩm, nông, thủy sản nhiệt đới nên rất hoan nghênh doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những loại hàng này…

Việt Nam nhập khẩu từ Nga chủ yếu sắt, thép, phân bón, máy móc thiết bị, quặng kim loại. Đây cũng là điểm thuận lợi để hai bên đàm phán, ký kết FTA.

Quan hệ Việt Nam - Nga trong lĩnh vực du lịch - ngành "công nghiệp không khói" - cũng đã có bước phát triển khởi sắc trong năm qua. Cùng với việc Việt Nam đơn phương bỏ visa cho công dân Nga tới Việt Nam trong thời hạn 15 ngày và trước những biến động phức tạp trên một số thị trường du lịch truyền thống của khách du lịch Nga như Trung Đông, Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan..., lượng khách Nga đi du lịch sang Việt Nam ngày một tăng. Nếu như năm 2010 lượng khách du lịch Nga sang Việt Nam khoảng 70.000 người thì năm 2011 con số này ước đạt khoảng 120.000 người, tăng gần gấp đôi.

Triển vọng hợp tác

Điểm đáng lưu ý, Duma quốc gia (tức Hạ viện) Nga mới đây đã phê chuẩn việc nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Như vậy, khoảng 1 tháng nữa, Nga chính thức trở thành thành viên thứ 155 của WTO sau 18 năm.

Đây là một yếu tố vô cùng thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, bởi thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 3-5%. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn thương mại cũng được quốc tế hoá theo Luật WTO. Sau khi Nga gia nhập WTO, quan hệ thương mại song phương giữa hai nước sẽ thuận lợi hơn, vì có nhiều điểm tương đồng về hành lang pháp lý, quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa…

Theo các chuyên gia, con số 10 tỷ kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020 sẽ đạt được do thương mại hai nước đang có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển.

Thuận lợi trước hết là Nga đang trong tiến trình hiện đại hoá đất nước ở tất cả các lĩnh vực, nên sẽ tăng quan hệ thương mại, đầu tư với khu vực châu Á - Thái Bình Dương qua chính sách hướng Đông, trong đó xem Việt Nam là đối tác chiến lược then chốt trong khu vực Đông Nam Á.

Nga xem Việt Nam là đối tác chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt quan tâm đến Việt Nam ở các lĩnh vực dầu khí, chế tạo máy, viễn thông, đào tạo, thương mại. Hiện Moscow đang tiến hành lựa chọn vài địa điểm thành lập các trung tâm kho vận tại các vùng của Nga để thu mua và phân phối hàng lương thực - thực phẩm Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Nga đang trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do, dự kiến trong khoảng 2 năm nữa hiệp định sẽ được ký kết. Đây cũng là một lợi thế giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nga thuận lợi hơn. Sau khi Nga gia nhập WTO, Việt Nam và Nga sẽ có điều kiện đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan, bởi nhân sự đàm phán WTO của Nga chính là nhân sự phụ trách đàm phán FTA.

Nga coi FTA với Việt Nam là khâu đột phá ở ASEAN, coi Việt Nam là cửa ngõ để Nga tiếp cận thị trường ASEAN. Với Việt Nam, việc ký kết FTA không chỉ thúc đẩy quan hệ thương mại với Nga và Liên minh thuế quan, mà còn là cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại với các nước thuộc Liên Xô cũ (Nga và 7 nước thuộc Liên Xô cũ vừa ký hiệp ước thành lập khu vực tự do thương mại).

Nếu Hiệp định này được ký kết, hàng hóa Việt Nam sẽ được miễn thuế hoàn toàn hoặc hạ xuống mức tối thiểu. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng về giá và chất lượng, cũng như chiếm thị phần xứng đáng hơn trên thị trường Nga”.

Triển vọng là như vậy, tuy nhiên, theo Bộ Công thương các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải lưu ý khi ký hợp đồng với các đối tác Nga cần chặt chẽ, bởi đã có một số doanh nghiệp ký hợp đồng không đảm bảo quyền lợi của người bán nên đã nảy sinh các tranh chấp.

Thực tế, mặc dù là thị trường lớn nhưng thị trường Nga cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, các doanh nghiệp khi ký hợp đồng cần cẩn thận, phải thuê luật sư tư vấn hoặc nhờ sự giúp đỡ từ Thương vụ. Bản thân Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga cũng đang xử lý một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam gặp rắc rối khi làm ăn với các doanh nghiệp Nga.

Muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nga, cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại thường xuyên vào thị trường Nga như đưa hàng hoá đi tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế ở Nga và cử các đoàn sang thị trường Nga khảo sát, tìm đối tác hợp tác kinh doanh, nhất là đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Chính sách bảo vệ người tiêu dùng ở Nga đang ngày càng chặt chẽ, người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn để mua các loại hàng hoá có chất lượng hơn. Vì vậy, để bảo đảm chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải duy trì ngay từ những công đoạn ban đầu trong các khâu sản xuất, chế biến, đóng gói... mới có thể duy trì, tăng thị phần và đưa thêm các mặt hàng mới vào thị trường Nga. Mặt khác, cần giảm tỷ lệ xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu, tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến vào thị trường Nga để tăng giá trị hàng hoá./.

Nguồn VOV Online