Ảnh minh họa.
Nắm giữ VND là lựa chọn khôn ngoan nhất hiện nay- nhiều chuyên gia nhận định, VND đang chiếm ưu thế so với các kênh đầu tư khác do mặt bằng lãi suất VND vẫn đang ở mức khá cao khi lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dưới 12 tháng ở mức 9%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng lên tới 11 – 12%/năm.
Hơn thế, lạm phát đang được kiềm chế. CPI tháng 6 thậm chí còn giảm sau 38 tháng tăng liên tục. Dự báo CPI tháng 7 nếu tăng cũng chỉ tăng ở mức rất thấp do giá xăng dầu vừa tiếp tục giảm và xu hướng giảm vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới do kinh tế thế giới ảm đạm; giá lương thực thực phẩm cũng đang trong xu hướng giảm một phần do yếu tố mùa vụ. Lạm phát thấp càng củng cố xu thế ổn định của tỷ giá và gia tăng vị thế cho VND.
Đồng quan điểm này, theo TS.Cao Sỹ Kiêm, hiện nay tiền VND đang có giá thì tính toán gửi tiền VND vào ngân hàng cũng là yếu tố mới. “Nếu biết buôn bán thì đầu tư vào sản xuất kinh doanh là tốt nhất, còn người không biết buôn bán thì gửi tiết kiệm vẫn là tốt nhất”, TS. Kiêm nói.
Đối với USD, thời gian qua tỷ giá USD/VND được duy trì khá ổn định. Dự báo, từ nay đến cuối năm, áp lực lên tỷ giá là không lớn và theo như Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố, nếu có biến động cũng không quá 3%. Do đó, đây không phải là kênh hấp dẫn như những năm trước.
Trong khi, việc đầu tư vào vàng lại quá rủi ro do giá vàng diễn biến khá bất thường và mức độ biến động giá thường khá lớn trong một thời gian ngắn. Điều đó có nghĩa, vàng là kênh đầu tư không dành cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít vốn và thiếu kinh nghiệm, hiểu biết.
TS.Võ Trí Thành cho rằng, dòng tiền đổ vào vàng từ nay đến cuối năm sẽ được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt. Một số chuyên gia khác cũng có chung quan điểm, kênh đầu tư vàng vẫn còn rủi ro bởi sự chênh lệch giá và chính sách quản lý thị trường vàng. Đây không phải là kênh đầu tư cho các nhà “lướt sóng”.
Với thị trường chứng khoán, theo một số chuyên gia kinh tế, hiện nay cũng chưa có xu hướng rõ ràng lắm, các nhà đầu tư chạy nhiều sang thị trường này cũng chưa phải là một khuynh hướng. Dự báo từ nay tới cuối năm, thị trường chứng khoán có thể nhúc nhắc đi lên, tuy nhiên điều này vẫn cần phải chờ đợi những chính sách kinh tế vĩ mô. Cần phải xem giải ngân ngân sách và tín dụng và nợ xấu có được giải quyết hay không...
Bất động sản (BĐS) chưa mấy sang sủa khi giá liên tục tụt giảm, song giao dịch vẫn thưa thớt. Tính đến nay, giá nhiều phân khúc BĐS đã giảm đến 30 - 40%, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, giá BĐS vẫn chưa về đến đáy và vẫn vượt quá xa so với khả năng thanh toán của nhiều người dân. Vì vậy, nhiều chuyên gia cũng dự báo, thị trường BĐS khó có thể phục hồi trong năm nay.
Do đó, các chuyên gia tỏ ra khá đồng tình khi xếp BĐS vào vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng thanh khoản.
Nguồn www.chinhphu.vn