Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Một trong những mục đích, yêu cầu quan trọng của Chỉ thị là làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc về Tư tưởng Hồ Chí Minh, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Từ những kinh nghiệm tiến hành thí điểm, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7-11-2006 về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chỉ thị yêu cầu “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên… nâng cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội…”. Gắn Cuộc vận động này với cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tập trung vào các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ý thức tổ chức, kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí…”. Chỉ thị nhấn mạnh: “Mỗi người tự liên hệ, tự phê bình, kiểm điểm cá nhân; tổ chức để quần chúng ở nơi công tác và nơi cư trú góp ý cho cán bộ, đảng viên”; “các cơ quan, đơn vị xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức để phấn đấu thực hiện phù hợp với tình hình từng cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, yếu kém; xử lý các sai phạm theo đúng kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước”…
Việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, không phải là đến khi tiến hành Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mới nói tới. Từ năm 1986, cùng với việc đề ra chủ trương tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội VI của Đảng đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải ra sức phấn đấu vươn lên ngang tầm nhiệm vụ mới: “Trong tư tưởng cũng như trong hành động, phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi. Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa?... Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu hơn trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban cho mình những đặc quyền, đặc lợi”. Đại hội VI còn chỉ rõ: “Trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền, mỗi đảng viên dù ở cương vị nào đều phải là một công dân kiểu mẫu”; “có lập lại kỷ cương trong Đảng, trong cơ quan lãnh đạo các cấp của Nhà nước, mới có sức mạnh lập lại trật tự trong xã hội”…
Các Đại hội Đảng từ đó về sau, không khi nào không nói đến những vấn đề này. Đảng ta luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.
Hai cuộc vận động trên được tiến hành đồng thời kết hợp chặt chẽ với nhau và bổ sung cho nhau, nhưng quá trình thực hiện nói chung chưa đạt kết quả như mong muốn. Nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội XI của Đảng đã thẳng thắn nhận định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”; “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ và đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hoá giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe doạ sự ổn định, phát triển của đất nước”; hoặc “tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm”…
Bốn tháng sau khi kết thúc Đại hội XI, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 3-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Ban Bí thư ban hành Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 1-7-2011 về triển khai thực hiện Chỉ thị trên từ nay đến năm 2012. Sau đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành hướng dẫn thực hiện. Chỉ thị, kế hoạch thực hiện của Trung ương một lần nữa yêu cầu phải “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực”; phải “lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ, kết hợp việc tổ chức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng…”; “kết hợp giữa xây và chống”… Chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh: “Đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên”, đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chỉ thị còn nêu rõ: Tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng ngành, địa phương, đơn vị; trách nhiệm tự giác đi đầu gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành và của cán bộ, đảng viên; cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và nhân dân đối với việc rèn luyện, tu tưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên; đưa việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể…
Do tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đã thông qua Quy định thi hành Điều lệ Đảng (số 45-QĐ/TW ngày 1-11-2011, Quy định về những điều đảng viên không được làm (số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 và Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 1-11-2011 về ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Ngày 5-1-2012, Ban Bí thư đã Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể về thi hành Điều lệ Đảng (Hướng dẫn số 01-HD/TW). Liền sau đó, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-1-2012); Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khoá XI (số 15-CT/TW ngày 24-2-2012).
Chỉ thị một lần nữa nhận định: “Công tác xây dựng đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục”. Trong đó, nói lên tình trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc…
Để thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị trên của Trung ương, đòi hỏi các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng, khách quan, không nể nang, né tránh; phải đề ra được giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất. Các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải làm trước, thật sự gương mẫu để các cấp và đảng viên noi theo. Khi làm phải kiên quyết, kiên trì, xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành, làm vững chắc từng bước và thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ; tuy vậy, cũng phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan và không sa vào trì trệ, hình thức, không làm chuyển biến được tình hình.
Nghị quyết nêu lên 4 nhóm giải pháp: Tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; về cơ chế, chính sách và về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tổ chức và người phải tự phê bình và phê bình trước tiên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương; từng uỷ viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và cấp uỷ các cấp phải nghiêm túc, tự giác kiểm điểm trước, nêu gương bằng những việc làm thực tế, cụ thể, chứ không phải là nói chung chung như lâu nay đã làm.
Trung ương đã nêu 3 nội dung quan trọng đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu ở mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương, đơn vị phải tự giác và nghiêm túc tự phê bình và phê bình: 1) Kiểm điểm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên. 2) Kiểm điểm về những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ; về tình trạng bố trí một số cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự phát triển của ngành, địa phương. 3) Kiểm điểm về những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; về quyền hạn, trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là của người đứng đầu… Trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách. Khi kiểm điểm, cần tập trung làm rõ tại sao những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm cụ thể đó đã được chỉ ra trong nhiều năm mà chậm hoặc chưa được khắc phục và trách nhiệm của tổ chức mình và bản thân mình như thế nào. Người tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại. Kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên không tự giác kiểm điểm, không tự nhận rõ sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã được nêu ra. Những trường hợp có vi phạm, nếu tự giác, nghiêm túc kiểm điểm, tích cực sửa chữa, khắc phục sẽ được xem xét giảm hoặc miễn xử lý kỷ luật…
Ở đây cần đổi mới, nâng cao tính giáo dục, chiến đấu trong sinh hoạt cấp ủy và chi bộ. Lâu nay, có biết bao vụ việc tham ô, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, đảng viên bị phát hiện và xử lý đều do dân tố cáo và báo chí phát hiện. Mở rộng dân chủ trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình là rất cần thiết; kiểm điểm từ trên xuống và từ dưới lên, các cấp có trách nhiệm gợi ý cho nhau về những sự việc cụ thể cần kiểm điểm, trong đó một nguồn thông tin quan trọng để gợi ý cho nhau kiểm điểm có hiệu quả là những vụ việc đã được phanh phui trên phương tiện thông tin đại chúng, qua sự khiếu kiện của dân…
Trung ương đặt vấn đề quyết liệt như vậy và những bức xúc trong thực tiễn đòi hỏi phải giải quyết cấp bách như vậy, ý Đảng và lòng dân đều mong muốn như vậy, nếu đợt kiểm điểm này không đạt được yêu cầu đề ra, nhất là đối với các cấp trên và những đồng chí lãnh đạo chủ chốt, những đảng viên đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước ở các cấp, các ngành thì tình hình sẽ khó khăn hơn nữa. Toàn Đảng, toàn dân đang trông chờ ở những việc làm thiết thực, cụ thể đầy trách nhiệm của các đồng chí để khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đã có lâu nay mà chưa được khắc phục. Sự quyết tâm và gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo, của người đứng đầu sẽ tác động đến từng đảng bộ, đến toàn Đảng và đất nước.
Đồng thời với những điều trên, đi đôi với mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch phải sớm hình thành bộ máy và cơ chế hữu hiệu để tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu.
Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng