Truyền nhân Ba Mọi

Với ông Nguyễn Văn Mọi, chủ nhân thương hiệu Nho Ba Mọi, việc trái nho Ba Mọi trở nên nổi tiếng và vươn xa khỏi xã Phước Thuận, Ninh Phước, Ninh Thuận là niềm khích lệ lớn lao cho nghiệp trồng trọt. Nhưng chuyện thế hệ kế thừa chịu theo nghiệp nông của gia đình mới là điều làm ông thấy hạnh phúc.

Gặp cậu cả nhà Ba Mọi- anh Nguyễn Đại Vệ, tại vườn nho, chuyện cây nho bắt đầu vào vụ đông-xuân gần như chiếm trọn sự quan tâm của anh. “Cây nho dễ sống nhưng không dễ cho trái. Cho trái rồi lại khó bảo quản đến tận ngày thu hoạch, bởi chỉ cần một vài cơn mưa là đã có thể mất trắng cả một vụ”, anh nói về nỗi vất vả của nghề trồng nho.

 
Ảnh: Tam Giang

Và đây chính là lý do khiến anh quyết định vào TP.Hồ Chí Minh học kinh tế, rồi đầu quân về một công ty, khởi nghiệp bằng con đường làm thuê như bao người khác.

Chọn đường dễ cho mình nhưng Nguyễn Đại Vệ vẫn trăn trở trước cái khó của nghề cha mẹ đang theo. Điều làm anh bức xúc hơn cả là giá bán không bao giờ nằm trong sự kiểm soát của nông dân. Được mùa, giá nho rẻ không đủ bù công người trồng. Chỉ khi mất mùa nho mới được giá. “Chuyện này cứ lặp đi lặp lại khiến tôi quyết tâm phải thay đổi để gia đình đỡ cực hơn”, Vệ chia sẻ.

Năm 2002, được Trung tâm Khuyến nông cung cấp những giống nho mới, hiệu suất cao, gia đình anh cố gắng chăm chút nhưng đến mùa thu hoạch, tình trạng vẫn không có gì thay đổi.

Đem chuyện này kể với những người bạn cùng trang lứa, ai cũng bảo phải chỉ cho nông dân cách làm chuyên nghiệp thì họa may mới có thể thay đổi tình hình. Chính những người bạn này đã khuyến khích anh phải đem kiến thức học được về làm thương hiệu cho trái nho Ninh Thuận. Có quyết tâm, có động lực, lại được cổ vũ, Nguyễn Đại Vệ tự tin hơn rất nhiều khi nhập cuộc.

Để chọn cho trái nho cái tên, Vệ phải bỏ khá nhiều thời gian điều tra thị trường, bắt đầu bằng việc ra chợ đêm Cầu Muối để khảo sát người bán. Anh kể, lấy tên khoa học của giống nho, các chị ở chợ bảo không hiểu. Lấy tên nho Phan Rang, các chị cũng không ưng vì... người dùng nghe là sợ nho bị xịt thuốc, không mua, người bán khó khăn.

Cuối cùng, anh và gia đình quyết định chọn cái tên nghe rất gần gũi của cha là Ba Mọi. Ban đầu, Trung tâm Khuyến nông không đồng ý vì tên đó nghe rất... cá nhân, mà mục đích khi giao giống của Trung tâm là tạo nên một tập thể trồng nho lớn mạnh của tỉnh.

Cứ lấn cấn mãi như thế nên anh và gia đình phải mất cả năm trời để thuyết phục Trung tâm. “Lúc đó tôi phải cam kết là dù lấy thương hiệu riêng nhưng gia đình tôi vẫn hợp tác, hỗ trợ tập thể trong việc đưa trái nho tỉnh nhà đi xa”, anh nhớ lại.

Đưa nho quê vào siêu thị

Tết năm 2003, trong khi mọi người xôn xao sắm sửa, Nguyễn Đại Vệ tranh thủ hoàn tất công việc trong công ty để xin nghỉ Tết sớm một tuần. Trong một tuần đó, anh thuê mặt bằng ở siêu thị Sài Gòn của Satra, lập gian hàng bán nho để thăm dò phản ứng khách hàng.

Vừa tìm cách trưng bày sao cho bắt mắt, vừa giới thiệu sản phẩm và bán hàng, những ngày thăm dò này khiến anh cùng hai người bạn mệt phờ người, nhưng lại thấy rất vui.

“Nhiều người mua thử, về nhà ăn thấy ngon, quay lại mua thêm và mua rất nhiều. Điều này chứng tỏ sản phẩm của Phan Rang có thể chinh phục được thị trường”, anh phấn khởi.

Năm đó, anh phải trả gian hàng sớm vì không còn hàng để bán. Đó cũng là cột mốc đánh dấu thương hiệu nho Ba Mọi chính thức ra thị trường.

Từ thành công ban đầu, Nguyễn Đại Vệ tự tin tìm cách đưa nho Ba Mọi vào siêu thị, nhưng do thiếu mối quan hệ nên chẳng thành. Cũng may, trong một đợt khảo sát thị trường Ninh Thuận, đoàn doanh nghiệp gồm các nhà phân phối ở TP.HCM ghé đến vườn, tìm hiểu quy trình sản xuất.

Nhờ trái nho Ba Mọi trồng đúng quy trình, đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, nên siêu thị Co.opMart đã đồng ý cho sản phẩm này vào siêu thị với hình thức ký gửi, nghĩa là bán không hết thì nhà sản xuất chịu lỗ.

“Gia đình tôi tin vào chất lượng trái nho mình trồng nên quyết định nắm bắt cơ hội này”, ông Nguyễn Văn Mọi cho biết.

Tuy nhiên, suốt một tuần đầu, nho bán rất chậm, số lượng không nhiều. Để cải thiện tình hình, Vệ mạnh dạn xin siêu thị cho phép mình đưa nhân viên tiếp thị vào trực tiếp bán hàng.

“Tuyển” được năm sinh viên ở cùng khu nhà trọ, trang bị đồng phục, cung cấp kiến thức về sản phẩm..., Nguyễn Đại Vệ cùng “nhân viên” thời vụ của mình “tung hoành” trong siêu thị. Kết quả, chỉ nửa tháng sau, lượng hàng bán ra đã tăng đáng kể.

“Nhờ vậy mà siêu thị mới đồng ý lấy hàng của chúng tôi bán luôn, không cần phải ký gửi nữa”, anh khoe.

Nỗi lòng người trồng nho

Biết cây nho “đỏng đảnh”, ông Nguyễn Văn Mọi thống nhất cùng con trai ứng dụng mô hình trồng nho an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Không chỉ cho ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, mô hình này còn giúp nông dân tăng năng suất, tránh được các rủi ro. Ngoài đem nho tươi ra thị trường, gia đình ông còn tận dụng các phế phẩm từ nho để chế biến rượu vang, sirup nho...

“Nhờ có thương hiệu và ứng dụng quy trình tốt, chúng tôi được tạo điều kiện làm việc với các nhà khoa học. Họ chuyển giao cho chúng tôi công nghệ ủ rượu, làm sirup nho, mứt nho, nho khô và sắp tới là thạch nho”, anh Vệ hào hứng cho biết.

Đầu ra ngày một nhiều, đơn hàng giải quyết không hết, nhưng bảo ông liên kết với các hộ nông dân khác thì ông thấy không khả thi. “Do đối mặt với nhiều khó khăn, nên nông dân mình thường có cách nghĩ nông, bán “non” để thà có lãi ít đồng còn hơn chờ đủ ngày, đủ tháng mà phải thấp thỏm lo sợ, dù lợi nhuận có cao hơn”, ông Mọi phân tích.

Bên cạnh đó, việc gieo trồng theo kinh nghiệm, ngại các quy trình phức tạp và dùng hóa chất vô tội vạ để đảm bảo quyền lợi kinh tế vẫn còn tồn tại. Thế nên, đồng hành với những nông dân khác để cùng đưa trái nho Ninh Thuận đi xa hơn vẫn là việc mà ông và con trai chưa làm được.

“Khi đã gắn tên mình vào sản phẩm, nghĩa là tôi cam đoan với người dùng sẽ không có sự cố nào về sức khỏe do trái nho của tôi gây nên. Những người không đáp ứng được các tiêu chuẩn tôi đưa ra, thì không thể hợp tác với chúng tôi”, ông Ba Mọi chia sẻ.

Theo ông Ba Mọi, 78% lượng nho trên thế giới được dùng làm rượu, 2% là nho khô và các sản phẩm từ nho. Điều này cho thấy, những sản phẩm làm từ trái nho tươi rất phong phú.

Thế nên, nếu không có nho sạch, hàng loạt sản phẩm cuối chuỗi cũng bị nhiễm bẩn. “10 năm theo đuổi mô hình trồng nho an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi đã chứng minh cho những người cùng nghề ở địa phương thấy, khi làm ăn bài bản, tôi có thể đạt được lợi nhuận lâu bền hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, con đường cha con tôi đi còn rất hẹp. Tôi mong con đường này sẽ ngày một rộng hơn, mong có nhiều doanh nghiệp tham gia hơn để tôi có bạn đồng hành cùng phát triển trái nho đúng với tiềm năng của nó”, ông Ba Mọi nói.

Tuy nhiên, nhìn lại cậu con trai Nguyễn Đại Vệ và cô con gái út Nguyễn Thị Dạ Thảo đang học chuyên ngành marketing để sau này giúp gia đình làm kinh tế, ông cũng nguôi ngoai phần nào. Hạnh phúc của một người tâm huyết với nghề khi có truyền nhân có lẽ không gì có thể đánh đổi được.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn