Thủy lợi: Cửa mở cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

(NTO) Sau 20 năm tái lập tỉnh “bài toán khô hạn” đã được tỉnh ta giải quyết một cách triệt để. Với những chủ trương đầu tư đúng mục tiêu, trọng điểm, những công trình thủy lợi hôm nay đã, đang phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Nước về tắm mát đồng khô hạn

Trên đồng lúa 3 vụ xanh tốt của mình, lão nông Ka-tơ Giám, thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến (Bác Ái) tâm sự với chúng tôi: “5 năm trước đây, nước sinh hoạt đối với đồng bào Bác Ái mình còn thiếu thốn, khó khăn, nói chi đến chuyện có nước để sản xuất.

 
Hệ thống thủy lợi Hồ Sông sắt.

Chuyện sản xuất, gieo trồng gần như nhờ nước trời, năm được năm mất, mà có được cũng chẳng nhiều?... Nhưng từ khi hồ thủy lợi Sông Sắt đưa vào sử dụng (năm 2008), đời sống bà con nông dân nơi đây đã đổi thay toàn diện. Có nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, kéo theo sự thay đổi về nhận thức. Bà con đã biết áp dụng nhiều mô hình như trồng lúa nước, bắp lai… mỗi năm từ 2 đến 3 vụ cho hiệu quả năng suất cao, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ nông dân bây giờ không còn sợ đói, sợ thiếu lương thực nữa.

 Tâm sự của lão nông Ka-tơ Giám cũng chính là nỗi niềm của chính quyền và người dân huyện Bác Ái. Từ năm 2008 trở về trước, với diện tích đất đai rộng lớn, hệ thống sông Cái, bắt nguồn từ Phước Bình chảy qua… thế nhưng, do không chủ động nguồn nước tưới, nên hàng chục nghìn ha đất sản xuất ở Bác Ái không nuôi nổi con người nơi đây. Để giúp bà con địa phương chủ động nước trong sản xuất, sinh hoạt, từng bước vươn lên xoá đói giảm nghèo; năm 2004, Chính phủ đã đầu tư trên 350 tỷ đồng xây dựng công trình thuỷ lợi Hồ Sông Sắt. Công trình có dung tích gần 67 triệu m3 nước, lượng nước này không những cung cấp nước sinh hoạt mà còn đủ tưới cho hàng nghìn ha lúa và hoa màu của bà con Raglai ở các xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Thắng và Phước Tiến. Sau khi đưa vào sử dụng, Công trình thủy lợi hồ Sông Sắt đã mở ra một triển vọng mới xây dựng cuộc sống ấm no cho người dân vốn chịu thương, chịu khó, kiên trung trên vùng đất anh hùng này. Nếu như năm 1992, diện tích đất sản xuất chủ động nước ở Bác Ái gần như con số không, thì đến năm 2011 diện tích gieo trồng đã lên 10.031 ha, trong đó có trên 5.000 ha chủ động nước. Tổng sản lượng lương thực năm 2011 đạt 15.038 tấn, gấp hàng trăm lần so với năm 1992. Đặc biệt, việc xây dựng các công trình thủy lợi đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây mở rộng diện tích lúa nước, thay đổi tập quán làm ăn, nhiều vùng bây giờ đã chủ động nguồn lương thực tại chỗ.

 
Hệ thống thủy lợi đập Tân Giang.

Không riêng gì đầu nguồn Bác Ái, những vùng trung du, đồng bằng huyện Ninh Phước, Thuận Bắc, Ninh Hải, cũng hết sức “khốn khổ” vì nước. Những năm trước, người dân nơi đây đã quen với điệp khúc: mùa mưa những cơn lũ hung hãn, những trận lụt trắng đồng từ thượng nguồn Tân Giang, Sông Trâu đổ về, cuốn phăng tất cả; khi mùa mưa đi qua, đồng lại khô hạn. Ước mơ ngăn dòng cắt lũ để phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống sinh hoạt, cắt lũ dường như thường trực trong suy nghĩ của nông dân. Ước mơ ấy, hôm nay đã thành hiện thực. Hồ Tân Giang với dung tích chứa trên 13 triệu m3, Hồ Sông Trâu, dung tích chứa gần 32 triệu m3, với hệ thống kênh dài hàng chục km, 2 công trình này đủ sức tưới cho 6.000 ha lúa, suốt 3 vụ trong năm, phục vụ cho chăn nuôi phát triển cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Nói sao hết niềm vui của người nông dân, những vùng đất một thời chỉ nắng và gió khô cằn, hoang hoá nay đã tràn màu no ấm. Những cánh đồng của Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc khô cằn, vụ hè- thu hàng nghìn ha thiếu nước. Bây giờ thì điều đó không còn nữa, từ những vùng đất gò cao đến những thửa ruộng ở cuối kênh mương vẫn thường xuyên đủ nước để sản xuất.

 Nhà nước đầu tư nhiều tỉ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi Lanh Ra phục vụ tưới cho trên 1000 ha
đất canh tác xã Phước Vinh, Phước Sơn. Ảnh: Sơn Ngọc

Có nước, nhân dân đã biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Những cánh đồng Phước Hà, Nhị Hà, Phước Nam, Lợi Hải, Phương Hải, Công Hải… một thời cỏ cháy, bỏ hoang… giờ trở thành những cánh đồng lúa phì nhiều, mỗi năm sản xuất từ 2-3 vụ cho năng suất cao. Người dân không chỉ mở rộng diện tích lúa mà còn điều kiện để xây dựng những cánh đồng lúa chất lượng cao.

Chào nhé khô hạn

Đấy chỉ là một số công trình thủy lợi tiêu biểu trong những công trình hồ thủy lợi được khởi công xây dựng trên địa bàn tỉnh ta sau 20 năm tái lập tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Xây dựng các công trình thủy lợi để điều hòa dòng chảy mùa mưa sang mùa khô, từ thượng lưu xuống hạ lưu, nhằm phục vụ cho mục tiêu tổng hợp gồm phát triển sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, cắt lũ, bảo vệ môi trường…là rất cần thiết và cấp bách đối với tỉnh ta. Chỉ có chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt mới hi vọng thúc đẩy nền kinh tế tỉnh và cuộc sống của người dân phát triển đi lên”.

 
Hệ thống thủy lợi do nhà nước đầu tư phục vụ sản xuất cho nông dân làng Chăm Bàu Trúc,
thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

Xác định được mục tiêu trên, trong những năm qua, bằng các nguồn vốn Trung ương, ODA…tỉnh ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi. Theo thống kê, từ sau ngày tái lập, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng 23 hồ thủy lợi, với tổng diện tích tưới 19.095 ha, với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn xây dựng 65 đập dâng lớn nhỏ, với tổng diện tích tưới theo thiết kế 18.533ha.

 

Phát huy hiệu quả tưới hệ thống thủy lợi Sông Sắt giúp nông dân huyện Bác Ái
trồng lúa chủ động tưới đạt năng suất cao.

Trong các dự án trên, phải nói đến hệ thống công trình thủy lợi Tân Mỹ, đã được khởi công trong năm 2010. Theo thiết kế, công trình có dung tích chứa hơn 243,4 triệu m3 nước; tích nước tưới trực tiếp cho 600ha xung quanh hồ; tiếp nước cho dập dâng Tân Mỹ để dẫn tưới cho 3.700ha đất phía hạ lưu Tân Mỹ. Đồng thời còn có nhiệm vụ cắt lũ để giảm ngập cho vùng hạ lưu. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam làm quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Trong đó, vấn đề nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, cắt lũ, cải tạo môi trường được ưu tiên hàng đầu. Cũng theo quy hoạch, trong giai đoạn 2010 đến năm 2020, tỉnh ta sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 42 công trình hồ thủy lợi để đảm bảo phục vụ nước tưới cho 16.672 ha đất sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt, cải thiện môi trườmg và ngăn lũ.

Sau 20 năm tái lập tỉnh “bài toán khô hạn” đã được tỉnh ta giải quyết một cách triệt để. Nguồn nước ổn định, nông dân mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất luân canh, xen canh, nhờ vậy đời sống của nhân dân ở những vùng nông thôn có nhiều thay đổi, nhiều mô hình sản xuất từ ba mươi đến hàng trăm triệu đồng đã xuất hiện trên những vùng đất hoang hóa bạc màu trước kia. Sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước qua những công trình thuỷ lợi đã mở ra cho vùng nông thôn nói riêng, tỉnh ta nói chung cánh cửa vượt qua ngưỡng đói nghèo, tiếp tục cho một mục tiêu đầy triển vọng trên con đường CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.