Ninh Phước xây dựng nông thôn mới

Với tổng diện tích tự nhiên 342,3 km2, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm có gần 26.000 ha, huyện Ninh Phước đã xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế.

(NTO) Theo đó, Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất các loại cây trồng, chú trọng tạo thương hiệu nho Ninh Phước và tập trung xây dựng mô hình nông thôn mới.

 
Đến nay, hầu hết các địa phương ở Ninh Phước đã thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp,
góp phần giảm chi phí, tăng năng suất.

Đồng chí Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước cho biết: “Sau hơn 2 năm chia tách huyện, tận dụng điều kiện vốn có, huyện Ninh Phước đã thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, các ngành sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm qua Ninh Phước đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đó là các mô hình: Sản xuất lúa giống nguyên chủng 70 ha tại xã Phước Thái và 30 ha ở xã Phước Hữu, sản xuất 1 ha hành tím và 6 ha bắp lai tại xã Phước Vinh. Ngoài ra, còn triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp” và dự án cạnh tranh nông nghiệp; Chương trình “cùng nông dân ra đồng” và mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa. Đặc biệt để thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới ở các xã, cuối năm 2011, Huyện ủy Ninh Phước đã có NQ về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020” với các mục tiêu và giải pháp cụ thể, trong đó xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

 
Bắp lai là một trong những loài cây kinh tế chủ lực của huyện Ninh Phước.
Trong ảnh: Mùa thu hoạch bắp lai vụ đông xuân 2012 của nông dân xã Phước Sơn đạt năng suất trên 80 tạ/ha.
Ảnh: Sơn Ngọc

Trong thành tựu phát triển của Ninh Phước, ngoài sản xuất nông nghiệp, điều làm chúng tôi ấn tượng chính là các công trình hạ tầng nông thôn. Cùng với hàng loạt hồ chứa nước Tân Giang, Bàu Ngứ, Bàu Zôn, Núi Một, Sông Biêu, Lanh Ra, Tà Ranh và một số trạm bơm được đầu tư xây dựng, Ninh Phước đã kiên cố hóa 69 tuyến kênh mương cấp 3 với chiều dài 63,8 km; phát triển các tuyến giao thông liên xã, liên thôn, nội đồng, bê-tông hóa đường giao thông nông thôn với chiều dài 36 km. Nhờ phát triển hệ thống thủy lợi, Ninh Phước đã tăng diện tích tưới 2 vụ lên trên 6.000 ha và tưới chủ động nước cho 5.200 ha đất trồng cây hàng năm; ngoài ra còn từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tiêu lũ Sông Lu 1, Sông Lu 2 và Sông Quao, góp phần làm giảm diện tích cây trồng bị ngập úng. Việc phục hồi làng nghề đang góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một bộ phận người lao động và mở ra hướng đi mới cho nông thôn. Đến nay, ở Ninh Phước có 100% thôn, khu phố sử dụng điện lưới quốc gia, 99,9% hộ dân được sử dụng điện; hầu hết các xã có các công trình cung cấp nước sinh hoạt, đưa tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 83%.

 
Công trình thủy lợi Lanh Ra đang được đầu xây dựng ở xã Phước Vinh mở rộng diện tích đất canh tác
chủ động tưới trên địa bàn huyện Ninh Phước. Ảnh Sơn Ngọc

Điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới ở Ninh Phước có thể nhận thấy rõ khi về các xã. Đến Phước Thái, một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, chúng tôi được đồng chí Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong những năm qua, Phước Thái đã được đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, bước đầu đang dần định hình bộ mặt mới của nông thôn”. Đồng chí Võ Thành Đảo, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu, một xã nông nghiệp đang có những bứt phá mới làm chuyển biến hẳn bộ mặt đời sống nông dân, nông thôn, cũng lạc quan nói: “Nhờ luôn được sự đồng thuận của người dân, Phước Hậu đang mạnh dạn triển khai nhiều dự án lớn, trong đó điểm nhấn là tiến hành quy hoạch trung tâm hành chính xã gắn với khu dân cư theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”. Tại xã Phước Hữu, khi chúng tôi đề cập đến việc xây dựng nông thôn mới, đồng chí La Văn Điểm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã khẳng định: “Nhìn tổng thể bức tranh phát triển của xã, một số thôn đã có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, nếu huy động sức dân xây dựng nông thôn mới, tôi tin rằng người dân địa phương sẽ hưởng ứng tích cực”.

Trong NQ về xây dựng nông thôn mới, Ninh Phước đã đề ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2012-2015 sẽ có 3 xã là Phước Thái, Phước Sơn và Phước Vinh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (hoàn thành 19/19 tiêu chí); giai đoạn 2016-2020 có thêm 2 xã Phước Hữu và Phước Hậu. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của trên, trong năm nay Ninh Phước dự kiến hoàn thành Quy hoạch xây dựng và lập đề án xây dựng nông thôn mới cho các xã thực hiện điểm. Bên cạnh đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, cùng với những chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội, Ninh Phước đang có tiền đề quan trọng để tạo ra bước đột phá mới trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.