(NTO) Cách đây gần 10 năm, sau nhiều nỗ lực thi công, đã có thêm công trình quốc lộ 27B cũng với kết cấu mặt đường bê-tông nhựa 100% đi qua 4 xã thuộc huyện Bác Ái có chiều dài 48 km. Nhìn lại ngày ấy để thấy hạ tầng giao thông có được như bây giờ là bước đột phá vô cùng quan trọng của tỉnh ta.
Tuyến đường Tri Thủy - Phương Cựu đang được gấp rút thi công hoàn thành trong năm 2012
đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân địa phương.
Theo ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có tổng chiều dài 180,50 km quốc lộ, 206,2 km tỉnh lộ, trong đó có 272,409 km mặt đường láng nhựa, 30,553km đường đá nhựa, 24,324 km mặt đường đổ bê-tông và 57,504 km đường cấp phối. Những ngày này, có dịp lên trung tâm huyện Bác Ái, đi trên quốc lộ 27B đang sửa chữa sắp hoàn chỉnh, không ai không cảm thấy ấn tượng về con đường trải nhựa bê-tông, được ví là con đường huyết mạch cho Bác Ái phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với nó, tuyến đường mới Phước Trung-Phước Đại hình thành đưa vào sử dụng từ năm 2009, rút ngắn được 40 km qua ngã Phước Chính nối liền Phước Trung với trung tâm huyện đã làm cho Bác Ái mang bộ mặt mới. Đồng chí Pi-năng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái khẳng định: “Có thể nói giao thông đang đóng vai trò quan trọng trong sự bứt phá vươn lên của huyện miền núi Bác Ái”. Tương tự, từ chủ yếu là đường cấp phối hoặc cán đá, dạng kỹ thuật kém vào những ngày đầu tái lập tỉnh, huyện Ninh Phước đã hoàn thành tuyến tỉnh lộ 703; mở rộng, nâng cấp đường ven biển Phú Thọ - Mũi Dinh, đường Vụ Bổn-Nhị Hà-Phước Hà; nhựa hóa đường Phước Hậu-Phước Thái-Phước Hữu; bê-tông hóa đường An Long-Thành Tín, Cầu Móng-Phước Sơn; đường vào khu vực Hòn Khô; triển khai thi công đường Hữu Đức-Hậu Sanh, quốc lộ 1A-Phước Thuận- tỉnh lộ 703; đường giao thông liên xã, liên thôn và bê-tông hóa giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 186,66 km tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa.
Đường giao thông miền núi An Hòa - Phước Trung (huyện Bác Ái).
Ảnh: V.Miên
Trong 20 năm qua, giao thông nông thôn liên xã của toàn tỉnh đã phát triển với chiều dài 240,9 km, trong đó 17 km có mặt đường bê-tông xi-măng, 70,9 km có mặt đường bê-tông nhựa; 34,9 km có mặt đường đá nhựa, 57,1 km đường cấp phối và 61 km đường đất; chưa kể trên 1.100 km đường giao thông nông thôn nội xã. Theo Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong 47 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới của tỉnh, có 4 xã đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn xã, liên xã của Bộ Giao thông vận tải (tỷ lệ 29,78%), chủ yếu là các xã có quốc lộ và tỉnh lộ chạy qua. Đường giao thông nông thôn xã, thôn có 2 xã (tỷ lệ 4,25%) đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, đó là xã vùng cao Phước Chiến (Thuận Bắc) và xã miền biển Phước Diêm (Thuận Nam). Đặc biệt, tổng chiều dài trục chính đường nội đồng phục vụ nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã có 818,36 km, trong đó có 196,75 km đường đã cứng hóa, thuận tiện cho xe cơ giới đi lại. 100% xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã và có thể lưu thông quanh năm.
Trong sự phát triển của giao thông, không thể không nói tới hàng loạt công trình hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã và đang triển khai. Với mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II vào năm 2015, Phan Rang-Tháp Chàm đã hoàn toàn “lột xác” khi đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, trong đó tập trung đầu tư các tuyến đường gắn kết cầu An Đông để phát triển vùng Đông Hải và vùng biển; mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Thị Minh Khai, đường Trường Chinh. Trong chiến lược dài hơi quy hoạch phát triển thương mại-dịch vụ trên trục đường Yên Ninh, phường Mỹ Đông cũng nhấn mạnh cần đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông và đang đặt kỳ vọng vào dự án cầu An Đông dài 1.100 mét bắc qua sông Dinh, nối liền khu phố 9 với xã An Hải (Ninh Phước).
Qua chặng đường 20 năm, có thể khẳng định hệ thống giao thông phát triển đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt đô thị và nông thôn tỉnh ta. Chỉ tính riêng năm 2011, đã có thêm hàng chục dự án, công trình giao thông được triển khai với tổng vốn 329,663 tỷ đồng (đạt 98,26% kế hoạch). Theo Ban quản lý các dự án giao thông tỉnh, trong năm nay đang đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình giao thông chuyển tiếp, trong đó đáng chú ý là các tuyến đường ven biển Phú Thọ-Mũi Dinh, Vĩnh Hy-Bình Tiên và đường đôi (đoạn phía Bắc) vào Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Đồng thời khởi công mới nhiều tuyến đường, đặc biệt có đường Vĩnh Hy-Ninh Chữ thuộc hệ thống đường ven biển tỉnh và hoàn chỉnh hồ sơ dự án Nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A, đoạn từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đến Phan Rang-Tháp Chàm.
Bạch Thương