(NTO) Theo thống kê chưa đầy đủ thì đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy rừng, trong đó có một số vụ cháy lan trên diện rộng. Hầu hết các vụ cháy chủ yếu là thảm thực bì và được dập tắt kịp thời nhưng không vì vậy mà chủ quan. Được biết, ngay trong những ngày đầu mùa khô, ngành Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng đã triển khai nhiều biện pháp như phát ranh cản lửa, đốt có điều khiển những nơi dễ gây cháy, tuyên truyền, vận động người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng có ý thức bảo vệ rừng, cảnh giác khi đốt rẫy lấy đất sản xuất không để cháy lan…
Tuy nhiên, việc tuyên truyền vận động là cần thiết nhưng để người dân thường tác động vào rừng có ý thức cao trong phòng cháy thì không thể không kèm theo các biện pháp cần thiết hay nói khác hơn là các chế tài theo quy định của pháp luật. Đối với các tổ chức, cá nhân được giao rừng để quản lý cần thực hiện ký cam kết trách nhiệm không để xảy ra cháy rừng; liên kết chặt chẽ trong khâu chữa cháy rừng nếu khi có đám cháy xảy ra… Thực tế cho thấy ngoài trách nhiệm chung của cơ quan chức năng, phần lớn người dân nhận khoán quản rừng còn rất thờ ơ với vai trò “chủ rừng”, “được chăng hay chớ”, mà lẽ ra cần tổ chức tốt trong gia đình thường xuyên kiểm tra đề phòng chống cháy. Một số đơn vị chủ rừng tuy có làm chòi canh lửa hẳn hoi nhưng lại lơ là canh gác dẫn đến “trở tay không kịp” khi có cháy…
Theo dự báo, thời gian tới khu vực Trung bộ trong đó có tỉnh ta thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài và có nhiều khả năng xảy ra khô hạn và thiếu nước cục bộ. Đây sẽ là nguy cơ cao cho nhiều vùng rừng trong tỉnh. Do vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng xảy ra và đặc biệt là tăng cường sự phối hợp của nhân dân trong chữa cháy rừng… yêu cầu cần thiết đặt ra là phải lo từ “gốc”, từ chính tại từng “chủ rừng” cụ thể. Một khi trách nhiệm được xác định rõ ràng kèm theo các chế tài thưởng, phạt phân minh thì việc bảo vệ rừng trong mùa khô này tin rằng sẽ đạt kết quả cao.
A.T