(NTO) Đi trên đường có thể nhìn thấy màu xanh bạt ngàn của khoai mì và mía, loại cây trồng đang làm biến chuyển vùng đất nghèo trung du này. Có nhiều chuyện kể về sự vượt khó vươn lên của người dân nơi đây, nhưng gây chú ý cho tôi hơn cả chính là chuyện bỏ rừng về rẫy của những người từng một thời vào rừng khai phá.
Nông dân Hòa Sơn sơ chế khoai mì sau khi thu hoạch.
Hòa Sơn có tổng diện tích tự nhiên trên 6.500 ha, trong đó ngoài 750 ha diện tích đất canh tác, còn lại là rừng với chủ yếu là đất gò đồi. Cùng với Ma Nới, một xã giáp ranh có diện tích rừng và đất rừng trên 21.000 ha, Hòa Sơn thuộc lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn. Đây là vùng đất có hệ sinh thái rừng đa dạng, tài nguyên lâm sản dồi dào với nhiều loại gỗ quý hiếm và lâm sản khác có giá trị kinh tế cao. Do kế sinh nhai, trong nhiều năm dài rất đông cư dân của xã Hòa Sơn chuyên vào rừng khai thác lâm sản trái phép, tạo nên áp lực phá rừng rất lớn. Ông Phan Đình Nam, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn thẳng thắn cho biết: “Sự thật cho đến nay, nạn phá rừng vẫn tiếp diễn, mới năm ngoái đảng ủy xã phải ra nghị quyết chuyên đề về tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên so với trước, đã xuất hiện nhân tố lạc quan hơn khi có một số người đã bỏ hẳn nghề rừng để về canh tác nương rẫy”. Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm, khi bàn về phòng chống phá rừng, không ít ý kiến cho rằng giải pháp căn cơ nhất là phải tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất, cải thiện đời sống. Hiện nay, dù chưa nhiều, nhưng hiện tượng bỏ rừng về rẫy đang chứng minh ý kiến trên là có cơ sở.
Trong vụ đông-xuân năm 2011-2012, toàn xã Hòa Sơn đã trồng 947 ha khoai mì, trong đó có một diện tích không nhỏ xâm canh ở địa bàn xã Mỹ Sơn. Thực ra Hòa Sơn còn có 150 ha mía trồng trong vùng cuối kênh Tây, dọc theo sông Dầu, sông Than và gần trạm bơm Tân Hiệp, nhưng khoai mì vẫn là cây trồng phổ biến nhất. Nhu cầu phát triển cây trồng này quá lớn khiến nhiều người phải chật vật đi sang địa phương khác tìm thuê đất rẫy. Theo anh Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, ước tính trong những năm qua đã có khoảng 200 hộ dân giải nghệ “ phá rừng”, trong đó có nhiều người trở thành những nông dân sản xuất giỏi. Đơn cử tại thôn Tân Hiệp có anh Ngô Đình Phát, sau khi bái biệt "nghề phá sơn lâm", anh vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất nông nghiệp, mua sắm máy cày làm đất và vận chuyển hàng hóa, cuộc sống ngày càng khá giả. Tương tự, bên thôn Tân Hòa có anh Nguyễn Ngọc Phương, rời bỏ rừng, anh về làm rẫy trồng khoai mì và cũng mua chiếc máy cày, việc làm ăn ngày càng phát đạt. Ấn tượng nhất là anh Bùi Duy Thường ở thôn Tân Lập, hơn 10 năm trước từng tham gia mua bán lâm sản khai thác trái phép nhưng bây giờ là người trồng mía đạt hiệu quả đứng đầu xã. Anh nhớ lại: “Thu nhập từ rừng tuy cao nhưng bấp bênh, đây lại là hành vi vi phạm pháp luật, nhận thức được điều ấy nên khi được gia đình phía vợ động viên, tôi đã chuyển sang mua đất làm rẫy”. Với diện tích mía trồng khoảng 10 ha, năm ngoái anh Thừa đã thu nhập ngót 1 tỷ đồng và năm nay, có khả năng thu nhập còn đạt hơn nữa.
Hòa Sơn hôm nay đã mang hình ảnh khác xa mấy năm về trước, trong tổng số 6 thôn đã có 2/3 đường nội thôn được bê-tông hóa với chiều dài hơn 4 km. Công trình nước sinh hoạt Hòa Sơn được Nhà nước đầu tư mở rộng với công suất thừa sức phục vụ cho 1.000 hộ dân cả xã theo mức giá ưu đãi 2.100 đồng/m3.
Hầu hết các hộ dân trong xã đều sử dụng điện lưới quốc gia và có nhà xây khang trang. Trong năm vừa qua, Hòa Sơn đã giảm được 19 hộ nghèo theo tiêu chí mới, đạt tỷ lệ 5,2%, vượt chỉ tiêu giảm nghèo 1,2% mà nghị quyết HĐND xã đề ra. Anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Tân Hiệp có 7 ha đất trồng khoai mì, cũng một thời vác dao vác rựa vào rừng, tâm sự: “Ở đây nhà cửa cất mới lên rất nhiều là nhờ vào cây khoai mì cả đó, bản thân tôi là người địa phương nên rất hiểu nếu kinh tế gia đình phát triển chẳng ai theo nghề rừng chi cho khổ”. Phải chăng kinh tế phát triển là lời giải cho bài toán hạn chế nạn phá rừng?
Phân tích vấn đề này, anh Nguyễn Văn Phi cho biết thêm: “Tôi cho rằng có mối quan hệ hữu cơ, nếu bây giờ vẫn còn người địa phương phá rừng là do Hòa Sơn đang thiếu đất sản xuất và thiếu các hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững”. Hòa Sơn hiện đang cần thêm 200-300 ha đất canh tác và đang đề xuất tỉnh cho khai phá đất rừng nghèo và đất rừng trồng bạch đàn để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Mặt khác do nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, Hòa Sơn đang đặt hết hy vọng vào công trình thủy lợi hồ Sông Than mà tỉnh dự kiến sẽ khởi công. Có đủ đất canh tác, có hệ thống kênh tưới chủ động tưới, tôi tin Hòa Sơn sẽ trở thành miền quê trù phú, đầy lùi chuyện phá rừng vào quên lãng.
Vân Tuyền