Đó là những lý do cơ bản để Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển cỏ ngọt tại nước ta.
Cỏ ngọt có nguồn gốc từ châu Mỹ, hiện được trồng ở nhiều nơi trên thế giới để làm chất tạo ngọt và làm thuốc. Hoạt chất chính trong cỏ ngọt có độ ngọt gấp 300 lần so với đường mía. Vì vậy cỏ ngọt được sử dụng trong các thực đơn ít năng lượng để điều trị các bệnh như đái tháo đường, cao huyết áp.
Tại Việt Nam, cỏ ngọt đã được đưa vào trồng tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng… Kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất thử cho thấy cỏ ngọt phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của nhiều vùng sinh thái tại Việt Nam. Năng suất bình quân đạt 6 – 9 tấn lá khô/ha.
Tuy nhiên cho tới nay diện tích cỏ ngọt cả nước mới đạt 100ha. Việc nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ chưa được tổ chức và đầu tư có hệ thống bài bản. Do đó, cần xây dựng đề án để phát triển cây cỏ ngọt để phát huy lợi thế sẵn có của nước ta.
Bộ NN&PTNT đã đồng ý với đề xuất trên và đề nghị Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ như Cục Trồng trọt, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và một số đơn vị chuyên môn xây dựng Đề án nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ cỏ ngọt theo hướng công nghệ cao tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, hiện đã có một số công ty như Công ty cổ phần phát triển Stevia Venture, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Stevia Á châu… đã đầu tư phát triển cỏ ngọt tại Việt Nam và kết quả rất khả quan.
Nguồn www.chinhphu.vn