Bước phát triển vượt bậc trong nông nghiệp - nông thôn

(NTO) Qua chặng đường 20 năm với nhiều nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương và nông dân, nền sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh ta đã có bước phát triển vượt bậc.

Từ những vùng đất khô cằn, hoang hóa bạc màu ngày nào, nay đã trở thành những cánh đồng lúa 3 vụ ăn chắc, những nương mía, rẫy bắp xanh tươi và những vùng đìa nuôi trồng thủy sản luôn ồn ã tiếng máy nổ. Theo các đồng chí lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tác nhân quan trọng làm chuyển biến bộ mặt nông nghiệp, nông thôn chính là các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi và giao thông.

 Từ sau ngày tái lập, tỉnh ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các hồ, đập và hệ thống thủy lợi lớn,
nhỏ phục vụ tưới gần 40.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Hồ thủy lợi Sông Trâu, Thuận Bắc.
Ảnh: Thanh Long

Chỉ cần so sánh thời điểm năm 1992 khi mới tái lập tỉnh, đã có thể thấy rõ giá trị GDP toàn ngành Nông nghiệp và giá trị sản xuất hiện nay đã tăng gấp 5-6 lần. Các loại cây trồng, vật nuôi và lĩnh vực khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản đều tăng cao dần về năng suất, sản lượng theo từng năm. Đáng nói là sản xuất giống thủy sản từ chỗ chưa có gì đã hình thành trung tâm giống thủy sản chất lượng cao của cả nước với sản lượng 12,7 tỷ con tôm giống (5 tỷ tôm sú và 7,7 tỷ tôm thẻ giống) vào năm 2011, chưa kể còn có trên 100 triệu con giống khác. Sản xuất muối, kể cả muối thương phẩm và muối công nghiệp, chẳng những tăng về sản lượng thu hoạch mà còn tăng gấp nhiều lần về diện tích đồng muối canh tác.

Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cơ sở tại xã An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận)
sản xuất tôm post phục vụ nuôi tôm thương phẩm. Ảnh: Văn Miên

Đặc biệt là hạ tầng công trình thủy lợi, nếu năm 1992 chỉ có năng lực thiết kế tưới cho 22.132 ha đất sản xuất, thì năm 2011 đã nâng năng lực tưới lên 64.989 ha, ngoài ra còn cung cấp nước cho các nhà máy nước sinh hoạt, nước cho dân sinh kinh tế đạt doanh thu hơn 5,83 tỷ đồng. Bên cạnh phát triển thủy lợi tăng năng lực tưới, việc chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho người nông dân đã góp phần mạnh mẽ làm tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi trong nông ngư nghiệp, đơn cử năng suất lúa bình quân đã tăng từ 37,3 tạ/ha lên 55-60 tạ/ha. Trong lĩnh vực khai thác hải sản, năng lực khai thác có sự phát triển mạnh, từ số lượng 1.022 tàu thuyền vào năm 1992 đã tăng lên xấp xỉ gần 2.580 chiếc, đặc biệt các loại tàu có công suất từ 90 CV trở lên ngày càng nhiều, đủ sức phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ, dài ngày.

 
Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sạch nâng cao đời sống cho nhân dân.
Trong ảnh: Nhà máy nước thôn An Hòa, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: Văn Miên

Cùng với sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, ngành NN&PTNT tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển nông thôn với sự hình thành mạng lưới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Đến nay toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ 82% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, vượt xa con số tỷ lệ 32% của năm 1992. Nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo, vệ sinh môi trường, quy hoạch lại dân cư, xây dựng trường học, trạm xá, hạ tầng giao thông, điện sinh hoạt cho nông thôn đã được triển khai xây dựng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi.

 
Nhà nước đầu tư nhiều tỉ đồng phát triển hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Sơn Ngọc

Tỉnh ta hiện đã có 100% số xã có đường giao thông và điện lưới, 95% số hộ dân được dùng điện. Nhìn chung, sau 20 năm tái lập tỉnh, nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh ta đã có chuyển biến trên nhiều mặt, thể hiện ở giá trị thu nhập các hộ nông dân, ngư dân, diêm dân không ngừng nâng cao. Kết cấu hạ tầng sản xuất và đời sống dân cư nông thôn từng bước được cải thiện, một số nhân tố mới đã xuất hiện như phong trào ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác Tận dụng cơ hội phát triển mới do năng lực sản xuất không ngừng được đầu tư tăng thêm, đặc biệt là việc hoàn thành đưa vào sử dụng và khởi công các dự án thủy lợi, dự kiến trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, tỉnh ta sẽ đưa năng lực tưới tăng thêm cho gần 10.000 ha đất canh tác và sau năm 2015 tăng thêm 5.000 ha.

 Máy gặt đập liên hợp giảm thất thoát sau thu hoạch được nông dân sử dụng phổ biến ở các địa phương.
Trong ảnh: Thu hoạch lúa đông xuân của nông dân xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.

Ảnh: Văn Miên

Tranh thủ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển mạnh mẽ mô hình kinh tế trang trại với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như chăn nuôi dê, cừu, nuôi tôm thịt, sản xuất tôm giống, nuôi cá biển, cá nước ngọt và tiếp tục phát triển các loại cây trồng đặc sản như nho, táo, thuốc lá, khoai mì, mía đường thành các vùng chuyên canh lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Sản xuất muối được đẩy mạnh đầu tư phát triển mới với việc mở rộng sản xuất muối công nghiệp, nâng sản lượng muối trong tỉnh, cung cấp nguyên liệu cho chế biến các sản phẩm sau muối.

 
Các doanh nghiệp sản xuất muối đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng thị trường tiêu dùng.
Trong ảnh: Công nhân Xí nghiệp Muối Tri Hải  thu hoạch muối . Ảnh: Sơn Ngọc

Phát huy thành quả 20 năm qua, trên cơ sở quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của tỉnh, trong những năm tới, ngành NN-PTNT sẽ thực hiện xây dựng quy hoạch tổng thể nông, lâm, thủy sản và sản xuất muối toàn tỉnh. Xây dựng các chương trình ưu tiên để huy động đầu tư trong và ngoài nước, của các thành phần kinh tế. Đồng thời tổ chức và củng cố hoàn chỉnh hệ thống chuyển giao khoa học công nghệ; mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ người sản xuất xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.