(NTO) Trước đây nhiều doanh nghiệp nợ BHXH đều lấy lý do kinh doanh khó khăn, nhưng thực ra là cố tình chiếm dụng tiền BHXH của người lao động, ảnh hưởng đến nhiều quyền lợi, trong đó có quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi mất việc làm.
Nhiều doanh nghiệp chậm đóng BHXH
Chị N.T.K, làm việc tại Công ty Cổ phần Giao thông Ninh Thuận luôn trong tâm trạng lo lắng vì nếu bị bệnh tật, hoặc mất việc làm thì sẽ không được hưởng các chế độ BHXH, trong đó có BHTN. Vì từ nhiều năm nay công ty không đóng BHXH cho người lao động, nên năm 2012, BHXH tỉnh không cấp thẻ BHYT cho người lao động. Không phải chỉ có riêng chị K. mà nhiều lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ không được hưởng các quyền lợi về chính sách BHXH do doanh nghiệp nợ BHXH. Theo báo cáo của cơ quan BHXH tỉnh, đến cuối tháng 2-2012, toàn tỉnh có số nợ BHXH, BHYT, BHTN (gọi chung là BHXH) là 36,377 tỷ đồng, trong đó có 249 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, với số tiền 11,395 tỷ đồng; có doanh nghiệp nợ BHXH đến 61 tháng. Ông Đoàn Phú Nho, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Theo quy định của BHXH Việt Nam, khi cơ quan, doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động thì ưu tiên trích các quỹ BHYT, BHTN và sau đó là BHXH. Chúng tôi căn cứ thời gian doanh nghiệp đóng BHXH để chốt sổ BHXH cho người lao động nên doanh nghiệp nợ kéo dài BHXH thì người lao động không được giải quyết các chế độ, trong đó có chế độ BHTN khi mất việc làm”.
Cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh hướng dẫn người tham gia bảo hiểm lập hồ sơ thanh toán.
Ảnh: Văn Miên
Chính sách BHTN áp dụng bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009. Mặc dù mới triển khai nhưng BHTN thể hiện rõ tính ưu việt là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước ta, nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong thời gian bị mất việc làm. Ở tỉnh ta, chính sách BHTN được triển khai thực hiện rất nghiêm túc, đối tượng tham gia BHTN đại đa số chấp hành đúng pháp luật. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta tiếp nhận 2.245 hồ sơ đăng ký hưởng chế độ BHTN và đã có 2.017 lao động đã được hưởng chế độ BHTN, với số tiền là 4,64 tỷ đồng. Việc chi trả chế độ BNTN được giao cho 2 cơ quan chức năng đó là BHXH tỉnh và Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đảm nhiệm, thực hiện khá thuận lợi. Tuy nhiên, trở ngại hiện nay đó chính là đơn vị sử dụng lao động chưa thực hiện hết trách nhiệm, vì vậy quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Trên thực tế khi doanh nghiệp trả tiền lương, tiền công cho người lao động đều đã khấu trừ các khoản đóng góp BHXH, nhưng lại không giao nộp cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng vốn để sử dụng vào mục đích khác. Trong khi đó cơ quan chức năng giải quyết chế độ cho người lao động khi mất việc làm dựa trên cơ sở thời gian chốt sổ BHXH. Chính vì vậy nhiều trường hợp người lao động dở khóc, dở cười vì doanh nghiệp chây ỳ đóng BHXH.
Một thực trạng đang diễn ra khá phổ biến, đó là doanh nghiệp tiếp tay cho người lao động để chiếm dụng BHTN. Cụ thể, doanh nghiệp ra quyết định thôi việc để người lao động nhận chế độ BHTN nhưng sau đó lại nhận vào làm việc, bởi khi nghỉ việc người lao động có quyền được bảo lưu BHXH, được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chính vì ham lợi trước mắt, nhiều lao động vô tình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động dài hạn sang chấp nhận hợp đồng ngắn hạn để sau đó nhiều doanh nghiệp từ chối không có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động khi làm việc.
Áp dụng các chế tài đủ mạnh
Việc nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp trong tỉnh là “căn bệnh” trầm kha diễn ra rất nhiều và biện pháp chế tài là áp dụng phạt nộp chậm theo lãi suất của ngân hàng. Tuy nhiên biện pháp này tỏ ra bị “lờn thuốc” bởi theo các doanh nghiệp số tiền phạt không thấm gì so với vốn chiếm dụng từ BHXH vào kinh doanh. Năm 2011, lần đầu tiên ngành BHXH tỉnh ta đã áp dụng chế tài mạnh thưa kiện ra tòa các đơn vị nợ BHXH. Số doanh nghiệp được hầu tòa đợt đầu gồm: Công ty TNHH TM&DV Chí Khoa, Công ty TNHH Điện tử Viễn thông tin học Trường Lan, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Toàn Thịnh, Công ty TNHH Vận tải Lộc Phát, Trung tâm Dịch vụ máy văn phòng Ninh Thuận, Công ty TNHH Du lịch Ninh Thuận. Khi tòa án thụ lý các vụ kiện thì nhiều doanh nghiệp đã chủ động trả số tiền nợ BHXH, một số doanh nghiệp khác ngay sau khi tòa hòa giải lần đầu đã trả nợ một phần và cam kết trả hết số nợ BHXH theo kế hoạch.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết lý do mà các doanh nghiệp nợ BHXH là do làm ăn không hiệu quả, để duy trì sản xuất họ chỉ đủ sức trả lương cho công nhân, còn BHXH thì nợ lại khi làm ăn khấm khá sẽ trả nợ. Bởi vì nếu doanh nghiệp càng nhiều lao động bao nhiêu thì số tiền đóng BHXH cao bấy nhiêu; không ít các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng để đóng BHXH cho người lao động. Nhưng không ít doanh nghiệp ù lỳ nợ BHXH cho rằng nhiều doanh nghiệp nợ có sao đâu nên cũng nợ theo. Điển hình là 6 đơn vị trên nếu ngành BHXH không khiếu kiện ra tòa thì chẳng biết đến khi nào họ nộp tiền nợ BHXH; có doanh nghiệp ngay khi tòa án mời lên, cụ thể Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Toàn Thịnh đã mang số tiền trên 52.117.000, nợ BHXH 11 tháng trả hết. Rõ ràng lý do kinh doanh không hiệu quả nên nợ BHXH chỉ là ngụy biện cho hành vi thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp. Hiện nay, số doanh nghiệp nợ BHXH ở tỉnh ta còn khá nhiều, từ vài chục triệu đồng đến cả tỷ đồng. Có đơn vị gần hơn 5 năm không đóng BHXH cho người lao động, cụ thể là Công ty Cổ phần Giao thông Ninh Thuận, Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ; Công ty TNHH Thương mại Hải Đông…. Ông Đoàn Phú Nho, cho biết thêm: “Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cùng với việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đóng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp, ngành BHXH tiếp tục áp dụng chế tài xử phạt nặng các đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật và nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH sẽ được ngành đưa ra pháp luật xử lý. Chỉ có thực hiện các biện pháp chế tài đủ mạnh mới hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH- một bài toán nan giải hiện nay của ngành".
Đặng Hữu