Phòng ngừa viêm gân

Bệnh lý gân thuộc nhóm bệnh tổn thương phần mềm bộ máy vận động. Đây là nhóm bệnh lý rất phổ biến. Ở chi trên hay bị tổn thương gân cơ xoay khớp vai và gân vùng cổ tay. Ở chi dưới gân bánh chè ở đầu gối, gân Achilles, gân xương chày ở mắt cá chân hay bị hơn cả. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được.

 Cấu tạo của gân cơ

Gân chính là đoạn tận cùng của cơ, có vai trò nối cơ với xương và có khả năng chịu được sức căng. Gân cấu tạo chủ yếu từ các bó sợi collagen xếp song song với nhau, mỗi bó được bao bọc bởi một lớp vỏ mô. Tất cả các bó được bao trong bao gân để tạo thành gân thực sự. Vỏ hoạt dịch chỉ có mặt ở một số gân nhất định như gân xương chày sau, gân cơ gấp ở cổ tay. Về mặt cấu trúc thì gân có 3 thành phần chính là các bó sợi collagen, elastatin; chất nền và tế bào.

 Sợi collagen chiếm tỷ lệ 86% trọng lượng khô của gân, bao gồm chủ yếu là các sợi collagen typ I. Còn các sợi elastatin chỉ chiếm tỷ lệ 2% nhưng giúp gân có tính co giãn, linh động. Chất nền bao gồm glucosaminglycan (chủ yếu là chondroitin sulfat), proteoglycan và glucoprotein. Trong số thành phần tế bào thì các tế bào gân là chủ yếu, có chức năng sinh tổng hợp collagen và các chất nền ngoài tế bào. Ngoài ra còn có các tế bào sụn, tế bào hoạt dịch và biểu mô.

Tổn thương gân bánh chè.

Các yếu tố nguy cơ gây tổn thương gân cơ

 Gân là nơi chịu đựng tình trạng quá tải và sự va chạm trong các hoạt động thể thao, động tác lặp đi lặp lại, dễ dẫn tới viêm gân, viêm bao gân, thậm chí rách gân, đứt gân. Gân thường bị tổn thương trong các hoạt động thể dục thể thao, nhất là trong thể thao đỉnh cao như điền kinh, chạy, bóng đá... Các sai sót trong tập luyện cũng như bài tập quá dài, căng thẳng đều làm gân bị quá tải. Các yếu tố khác là mang giày không phù hợp, thời tiết quá lạnh khi tập luyện ngoài trời.

 Cần chú ý là phụ nữ đi giày cao gót thường hay bị viêm gân vùng cổ chân, đặc biệt là gân gót. Nhiều người ít hoạt động thể lực, ngồi lâu cũng có nguy cơ tổn thương gân vì gân cơ khi đó bị yếu, không đủ khả năng chịu lực khi chuyển sang lao động hay thể dục thể thao. Ở những người cao tuổi, gân bị thoái hoá, trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương khi mang vác nặng hay ngã. Việc sử dụng một số thuốc như fluroquinolon, statin, chống đông đường uống, thuốc tránh thai cũng có thể làm gân cơ bị tổn thương. Một số bệnh nội khoa cũng có thể làm gia tăng nguy cơ tổn thương gân. Đó là viêm khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp, gút, suy thận, bệnh hệ thống.

Dự phòng tổn thương gân cơ

Quá trình hồi phục gân bị tổn thương thường lâu dài và khó khỏi hẳn hoàn toàn. Do vậy dự phòng viêm gân là một biện pháp rất quan trọng, giúp tăng tuổi thọ và sức bền của gân cơ. Đầu tiên là chúng ta cần có chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý và đúng cánh. Về trang thiết bị, chúng ta phải có giày thể thao mềm mại, đúng cỡ. Trước khi luyện tập phải luôn nhớ làm các động tác khởi động nhẹ nhàng để làm ấm, mềm các cơ, gân, chuẩn bị cho gân cơ bước vào hoạt động có hiệu quả. Bài tập thể lực cần tăng dần về số lượng và độ khó. Sau khi tập xong cũng cần có thời gian xoa bóp, nghỉ ngơi làm giãn cơ.

 Cần tránh làm các động tác nâng tay lên cao quá vai liên tục trong thời gian dài để tránh viêm gân vùng vai. Phụ nữ nên hạn chế đi giày cao gót, không nên đi trong thời gian dài. Cần phải ngâm chân nước muối gừng cuối ngày, đồng thời xoa bóp cơ cẳng chân để bảo dưỡng đôi chân. Phụ nữ sau khi sinh cũng cần tránh bế con liên tục hay tránh giặt giũ, mang vác sớm để phòng ngừa viêm gân vùng cổ tay. Những người cao tuổi cần tránh mang vác nặng, tránh leo trèo cầu thang cũng như tránh ngã. Cuối cùng là cần chú ý đặc biệt điều trị các bệnh cũng như tránh một số thuốc có thể gây viêm gân.

Nguồn suckhoedoisong.vn