Khuẩn gây bệnh dịch hạch thay đổi rất ít trong vòng 600 năm trở lại đây
Bóng ma đại dịch Tử thần đen hay Cái chết đen (Black Death) là nói về đại dịch hạch xuất hiện từ năm 1347 đến năm 1351 ở châu Âu. Sở dĩ có tên như vậy là do khi bị nhiễm, người bệnh nổi lên những đốm đen dưới da, thủ phạm chính là chuột với xuất phát điểm từ một tàu buôn trên biển Đen lan truyền sang cho người dân ở thành phố Mesina, Italia, tạo ra tới 4 loại bệnh trong cùng một đại dịch là sốt, thương hàn, nhiễm trùng máu và viêm phổi.
Hầm mộ thế kỷ 14 nơi chôn cất nạn nhân đại dịch hạch Black Death
Từ lúc phát ban cho đến lúc tử vong chỉ có 8-12 giờ. Theo số liệu lưu trữ thì Black Death làm cho trên 50 triệu người bị thiệt mạng, trong đó châu Âu 25 triệu (1/4 dân số châu Âu thế kỷ 14) và 12 triệu người châu Á. Cuối tháng 12/2011 vừa qua, bằng việc nghiên cứu ADN của khuẩn từ các bộ xương của những người bị chết trong đại dịch nói trên ở Venetian Lagoon (Italia), các nhà khoa học phát hiện thấy khuẩn gây dịch Black Death vẫn còn tồn tại, tiến hóa chậm nên mối nguy hiểm vẫn còn rất tiềm ẩn.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm chuyên gia ở ĐH Ontario (Canada) và Tubingen (Đức) đã giải mã thành công hệ gen của khuẩn Yersina pesis mà người ta tình nghi là thủ phạm chính gây ra đại dịch Black Death. Sau khi nghiên cứu khuẩn Yersina pesis lấy từ 46 mẫu răng và 53 mẫu xương trong hầm mộ được chôn từ thế kỷ 14 cho thấy, khuẩn Yersina pesis có nguồn gốc từ thời Trung cổ và cho đến nay thay đổi rất nhỏ. Các mẫu dùng cho nghiên cứu được lấy từ hầm mộ tập thể của 1.500 bệnh nhân xấu số. Các thi thể này được khâm liệm bằng vải lành và được xếp ngay ngắn thành nhiều lớp.
Bệnh dịch hạch bắt nguồn từ người Ai Cập cổ đại?
Từ lâu, khoa học đã nghiên cứu và phát hiện thấy bệnh dịch thường có nguồn gốc từ đất, sau đó lan sang người và động vật. Nói cụ thể hơn, nó tiến hóa từ loài khuẩn chuyên sống trong đất, khuẩn gây dịch hạch Black Death có một bản thể ADN giúp nó lan truyền sang người một cách dễ dàng. Mầm bệnh lan truyền từ bọ chét sống trên chuột và nhờ phương tiện tàu bè, nó “quá giang” từ vùng này sang vùng kia. Ví dụ, những năm 40 của thế kỷ 14, nó đã lan truyền sang các nước châu Âu, rồi sang châu Á chỉ trong vòng vài năm làm cho trên 50 triệu người bị thiệt mạng. Khuẩn Yersina pesis gây nhiễm trùng các hạch bạch huyết hoặc nguy hiểm hơn là gây bệnh ở phổi hay còn gọi là nhiễm trùng phổi thứ cấp.
Năm 2004, bằng việc nghiên cứu côn trùng, vi khuẩn gây bệnh có trên hóa thạch, các chuyên gia ở ĐH Sheffield (UOS) của Anh phát hiện thấy bệnh dịch hạch Black Death có nguồn gốc từ người Ai Cập cổ đại, điều này khác với giả thiết đưa ra trước đây cho rằng có nguồn gốc từ châu Á hoặc Bắc Phi. Các chuyên gia ở UOS phát hiện thấy trước đó hàng triệu năm, dưới thời Đế chế Byzatine Empire, người ta đã thấy xuất hiện khuẩn gây bệnh tương tự.
Bằng chứng khoa học đã tìm thấy khuẩn Yersina pesis còn sống trong ruột của những người mắc bệnh, đây là loài khuẩn cùng chủng với khuẩn gây bệnh Black Death ở châu Âu thế kỷ 14 và nó được lan truyền qua bọ chét, phân của loài chuột. Triệu chứng của người mắc bệnh dịch hạch là sốt, ớn lạnh, xuất hiện các hạch bạch huyết to dần, sau đó đi vào phổi gọi là viêm phổi dịch hạch.
Minh họa về triệu chứng của bệnh dịch hạch.
Dịch hiện đại phát triển theo chiều hướng tuyến tính?
Hiện nay, mầm bệnh vẫn đang tồn tại lan truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ bọ chét sống ký gửi ở loài gặm nhấm. Mức độ tử vong vì dịch rất lớn, chủ yếu ở Mỹ, Madagascar, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Mỹ. Nhờ có những loại thuốc hiện đại mà 85% bệnh nhân qua khỏi. Theo nghiên cứu của các chuyên gia ĐH McMaster (Canada), hệ gen của khuẩn Yersina pesis tiến hóa rất chậm nên đã gây cản trở y học tìm kiếm những phương pháp điều trị hiệu quả hơn, thậm chí có nơi còn cho rằng khuẩn Yersina pesis ít nguy hại nên dễ bị bỏ qua.
Sự tiến hóa chậm của khuẩn Yersina pesis là do nó chỉ phát triển theo chiều tuyến tính (linear), trong khi đó, khuẩn gây bệnh cúm influenza lại tiến hóa rất nhanh do quá trình tái hợp giữa các chủng đang tồn tại nên mối nguy hiểm không nhỏ, tạo ra những dòng khuẩn cực kỳ nguy hại. Ví dụ, đại dịch cúm năm 1918 đã làm cho trên 50 triệu người trên thế giới bị thiệt mạng, con số này còn lớn hơn cả số người bị chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đặc biệt là nó tấn công cả những người lớn khỏe mạnh chứ không chỉ ở nhóm người già và trẻ em.
Do khuẩn Yersina pesis tiến hóa nên các loại thuốc kháng sinh hiện có không còn tác dụng và làm cho các loại thuốc phòng ngừa khác trở nên kém hiệu quả hơn. Vì lý do này mà trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ tái trở lại, mọi người không được chủ quan, nên tăng cường công tác phòng ngừa, đặc biệt là công tác tiêm phòng vaccin và vệ sinh cá nhân.
Nguồn www.suckhoedoisong.vn