Đến xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) vào một ngày đầu tháng Tư, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về vùng đất này, đó là diện mạo quê hương đang ngày càng đổi thay, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên; đặc biệt công tác y tế cũng có nhiều bước tiến nổi bật. Bác sĩ Nguyễn Tấn Thành, Trưởng trạm Y tế xã cho biết: Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhận thức về phòng bệnh, chăm lo sức khỏe của bà con ngày càng được nâng cao, nhất là bà con dân tộc Raglai mỗi khi bị bệnh tới trạm khám để lấy thuốc về uống; phụ nữ có thai biết đi khám thai, chuyển dạ đến trạm để sinh. Những năm qua, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Trạm Y tế xã Vĩnh Hải có trụ sở chính tại thôn Thái An và 2 phân trạm tại thôn Vĩnh Hy và thôn Mỹ Hòa, với tổng số nhân lực gồm 8 người trong đó: 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 2 điều dưỡng, 2 nữ hộ sinh và 1 trung cấp dược. Trung bình mỗi tháng trạm tiếp nhận từ 600-800 lượt người đến khám, chữa bệnh (KCB). Ngoài ra, mỗi tháng trạm còn tổ chức đi cơ sở đến các phân trạm, nhà dân tư vấn sức khỏe cho bà con; 100% người cao tuổi trên địa bàn xã đã được quản lý và chăm sóc sức khỏe. Những ca bệnh thông thường được chẩn đoán, xử lý nhanh tại trạm; các ca bệnh phức tạp, vượt quá khả năng chuyên môn được chuyển lên tuyến trên kịp thời, không để trường hợp tiên lượng xấu xảy ra, qua đó đã góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Bác sĩ khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Uyên Thu
Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo và nâng cao sức khỏe nhân dân, những năm qua, ngành Y tế tranh thủ các nguồn lực tập trung đầu tư nâng cấp hoàn thiện mạng lưới, nâng cao năng lực cho các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm sự thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cho toàn ngành. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, ngành Y tế đã đầu tư xây mới và nâng cấp 17 trạm y tế xã, 5 trung tâm y tế huyện; đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Chuyên khoa Da liễu - Tâm thần; cải tạo và sửa chữa Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, Trung tâm Giám định Y khoa; nâng cấp, mở rộng Trường Trung cấp Y tế tỉnh; xây mới Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh... và đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho các đơn vị với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Đồng thời đào tạo nâng cao năng lực cho hơn 1.000 lượt cán bộ, nhân viên y tế các cấp. Hiện toàn tỉnh có 59/65 xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 100% trạm y tế đều có bác sĩ làm việc, có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, nhân viên dược và bảo đảm điều kiện KCB bảo hiểm y tế; tỷ lệ bác sĩ hiện đạt 10,6 bác sĩ/vạn dân. Có 63/65 xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tại các địa phương còn có mạng lưới cộng tác viên dân số, chăm sóc bà mẹ trẻ em, phòng, chống HIV, lao, sốt rét, truyền thông giáo dục sức khỏe. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực hệ thống y tế được đầu tư nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch, KCB ban đầu cho nhân dân.
Không chỉ hoàn thiện mạng lưới, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao chất lượng khám điều trị, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân cũng được tăng cường thông qua Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, hợp tác quốc tế... Chỉ riêng trong năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện được 37 kỹ thuật mới, trong đó có nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu, đòi hỏi tay nghề chuyên môn cao như: Phẫu thuật nội soi cắt nang thận sau phúc mạc; tán sỏi thận qua da có C.ARM, tắc hoàn toàn động mạch vành mạn tính, nguy cơ cao; phẫu thuật đau thắt ngực không ổn định, bệnh nhiều nhánh, tắc hoàn toàn động mạch vành; nhồi máu cơ tim cũ, sang thương mạch vành phức tạp... Hay tại Bệnh viện Chuyên khoa Mắt đã thực hiện hiệu quả kỹ thuật cao điều trị đục thủy tinh thể và các bệnh lý về mắt khác... Tỷ lệ đạt thị lực tốt sau phẫu thuật đục thể thủy tinh đạt 79,73%; tỷ lệ hài lòng của người bệnh với dịch vụ KCB nội trú của bệnh viện đạt 96,8% và ngoại trú đạt 100%.
Cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư khang trang phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ
Tại các cơ sở y tế tuyến huyện, việc ứng dụng, triển khai kỹ thuật cao cũng được thực hiện tích cực. Được sự hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện một số trung tâm y tế các huyện đã thực hiện được kỹ thuật mổ lấy thai, hồi sức cấp cứu, y dược cổ truyền - phục hồi chức năng, xét nghiệm huyết học, sinh hóa và vi sinh, cấp cứu tích cực - chống độc; mổ kết hợp xương đơn giản...
Với sự chủ động, tích cực và các giải pháp hiệu quả trong tiếp nhận, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, năng lực KCB các cơ sở y tế ngày càng năng cao, tạo niềm tin cho bệnh nhân và nhân dân. Tình hình bệnh nhân đến KCB tại các cơ sở y tế tăng; công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện đạt từ 80-100%.
Bác sĩ Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục các giải pháp tăng cường năng lực cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, đáp ứng nhu cầu KCB cho nhân dân. Nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đẩy nhanh các dự án, đề án xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế. Tiếp tục thực hiện cải tiến chất lượng bệnh viện và y tế dự phòng theo tiêu chí của Bộ Y tế; phối hợp với các bệnh viện tuyến trên để triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh; Đề án KCB từ xa; Đề án 1816 của Bộ Y tế. Phấn đấu trên 98% số xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế; đạt 31,6 giường bệnh/vạn dân; có 10,8 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 96%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 12%; duy trì mức sinh thay thế từ 2-2,2 con/phụ nữ.
Uyên Thu