Chớ lạm dụng kháng sinh

Kháng sinh là một loại hóa dược có tác dụng chống lại sự xâm nhập, tấn công của vi trùng đối với cơ thể tao nên bệnh cảnh sốt, nhiễm trùng. Tuy nhiên, phải dùng kháng sinh như thế nào cho đúng, cho có hiệu quả?

 Gần đây, khi thông tin đại chúng phát triển, kiến thức khoa học phổ thông được đăng tải trên các loại báo, tạp chí và các hãng dược phẩm cũng ào ạt tung ra thị trường các mặt hàng kháng sinh thì đây cũng là lúc người bệnh lạm dụng kháng sinh, như: dùng trong những bệnh không cần phải dùng, dùng kháng sinh mạnh khi chưa cần thiết, tùy tiện sử dụng các loại kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng, dùng kéo dài hoặc không đủ liều, không đủ thời gian...

Nhiều người dùng kháng sinh tùy tiện dẫn đến có hại cho bản thân

Dùng cho những bệnh không cần phải dùng: thông thường khi bị sốt ho do bị cảm cúm, nhiễm siêu vi thì theo chu kỳ sinh sản tự nhiên, khoảng 4 – 5 ngày virút sẽ tự thoái lui, thêm vào đó cơ thể tự đề kháng nên tự khỏi. Nhưng do nôn nóng điều trị và vì thiếu hiểu biết, người bệnh tự động mua kháng sinh để điều trị thế là khi khỏi bệnh lại lầm tưởng là nhờ kháng sinh, nhưng thực tế có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm.

Dùng kháng sinh mạnh khi chưa cần thiết: kháng sinh mạnh thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhiễm trùng nặng, nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chỉ mới ở độ I tức là có sốt có ho nhưng không có triệu chứng khó thở thì thay vì chỉ cần dùng kháng sinh thông dụng có phổ kháng khuẩn hẹp là đủ nhưng với quan niệm chắc ăn, nhiều người đã dùng kháng sinh cực mạnh. Làm như thế sẽ góp phần làm tăng khả năng vi khuẩn kháng thuốc và sản sinh ra chủng loại vi khuẩn thế hệ sau có mức độ đề kháng cả với loại cực mạnh, khi bị bệnh nặng sẽ không có loại kháng sinh tốt hơn để dùng.

Dùng tùy tiện các kháng sinh phổ rộng: kháng sinh có phổ kháng khuẩn (mức độ diệt khuẩn của thuốc) rộng thường được dùng trong điều trị nhiễm trùng do nhiều chủng loại vi khuẩn gây ra. Thế nhưng, khi có dấu hiệu nóng sốt nhiễm trùng, không biết nhiễm do bao nhiêu loại vi khuẩn mà lại dùng loại kháng sinh này. Điều này thật là tai hại, nó tạo ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc, lờn thuốc.

Dùng kháng sinh kéo dài quá mức: mỗi kháng sinh chỉ có thể kháng lại một hay vài loại vi khuẩn. Nếu dùng đúng loại đặc hiệu, chỉ vài ngày bệnh sẽ thuyên giảm, thời gian dài nhất cho một đợt điều trị kháng sinh là 7 – 10 ngày. Nếu dùng không đúng kháng sinh đặc hiệu, bệnh chẳng những sẽ không đáp ứng mà vi khuẩn gây bệnh cũng như các vi khuẩn khác trong cơ thể sẽ quen dần và sinh ra các chủng kháng thuốc.

Dùng kháng sinh không đủ liều, không đủ thời gian: sử dụng kháng sinh phải tuyệt đối đảm bảo nguyên tắc đủ liều, đủ thời gian. Thông thường sau khi dùng khoảng 5 – 6 ngày bệnh sẽ hết căn bản triệu chứng nhưng phải dùng củng cố thêm vài ngày nữa bệnh sẽ khỏi hẳn. Thế nhưng, có không ít trường hợp cứ ngỡ là khỏi hẳn nên tự ý ngưng thuốc. Nếu dùng dang dở, vi khuẩn không bị trị tận gốc, dễ tái nhiễm, nhờn thuốc, sinh ra chủng kháng thuốc.

Phối hợp không đúng các loại kháng sinh: trong nhiều trường hợp khi bị nhiễm trùng phải phối hợp nhiều loại kháng sinh như lao chẳng hạn, để mỗi loại tác dụng lên một giai đoạn sinh sản phát triển của chúng. Nếu khi cần mà lại không phối hợp sẽ không hiệu quả mà phát sinh chủng kháng thuốc. Do ở nước ta việc dùng kháng sinh một cách tùy tiện nên tỉ lệ kháng sinh bị vi khuẩn đề kháng chiếm rất cao, từ đó gây khó khăn rất lớn trong việc chữa bệnh cho mỗi cá nhân cho cả cộng đồng.

Nguồn suckhoedoisong.vn