Thế nhưng những ngôi nhà cổ nơi đây cũng đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ nếu không được bảo tồn gìn giữ một cách quyết liệt và tích cực ngay từ bây giờ.
Nhà cổ miền Tây.
Nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống
Dân gian có câu: "Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà"... Ngụ ý việc cất nhà là một trong ba việc trọng đại của đời người. Vì thế, khi cất nhà chủ nhân lại muốn tìm vị trí tốt, đẹp. Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh, vị trí một ngôi nhà cổ đẹp ở miền Tây Nam Bộ trước năm 1945 phải đạt các yêu cầu: "Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền châu tước, hậu huyền vũ". Nghĩa là bên trái nhà phải có sông, bên phải có đường, trước nhà có cây cao bóng mát, sau nhà thì vườn tược trồng cây ăn trái. Mỗi ngôi nhà cổ dù rộng lớn hay vừa phải đều có bốn khu vực: khu vực tiếp khách, khu vực thờ phụng, buồng ngủ và nhà bếp. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trương Ngọc Tường, ngôi nhà cổ là sự kết tinh của trí tuệ, lao động sáng tạo của nhiều thế hệ. Ngôi nhà còn là nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam, của ông bà, tổ tiên đã dày công tạo dựng. Yếu tố thẩm mỹ, tính triết lý thể hiện qua các hoành phi, câu đối, bao lam, đại tự mang đậm nét hoài cổ của cư dân Nam Bộ, làm cho từng ngôi nhà mang phong vị riêng và chứa đựng chiều sâu văn hóa.
Khoảng năm 1867, khi thực dân Pháp xâm chiếm đặt ách cai trị lên một số tỉnh Nam Kỳ, trong đó có Vĩnh Long thì lối kiến trúc phương Tây cũng bắt đầu du nhập. Thí dụ như một số công trình còn đến ngày nay: dinh tỉnh trưởng nay là Bảo tàng Vĩnh Long, nhà việc Long Châu nay là UBND thành phố Vĩnh Long, nhà Ðốc phủ sứ Trần Ðịnh Bảo nay là Sở Thông tin - Truyền thông Vĩnh Long, nhà ông Nguyễn Thới Linh nay là Trường văn hóa nghệ thuật Vĩnh Long... Bên cạnh đó, cũng có nhiều ngôi nhà bị "lai" giữa kiến trúc Việt - Pháp. Nhưng chỉ bị "lai" một phần nào đó mà thôi. Phần lớn là những ngôi nhà thuần Việt được xây cất từ trước, sau đó chỉ xây tường bao quanh kiên cố, còn lại nội thất bên trong đều làm bằng gỗ và trang trí mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Theo lý giải thì do thời điểm này vấn đề an ninh rất bất ổn cho nên phải xây tường bao quanh nhà. Tuy nhiên, lúc này người dân Vĩnh Long nói riêng và miền Tây nói chung lại có ý thức thi đua giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trước làn sóng văn hóa ngoại nhập từ phương Tây đang ồ ạt tràn vào. Do đó, số lượng nhà cổ truyền thống bằng gỗ vẫn chiếm phần lớn ở nơi đây. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện ÐBSCL còn hàng trăm ngôi nhà cổ được xây cất cách đây khoảng 100 năm. Chẳng hạn như Vĩnh Long 85 căn, Ðồng Tháp 79 căn, TP Cần Thơ 72 căn, Long An 69 căn, Trà Vinh 50 căn... Về quy mô và kiến trúc thì những ngôi nhà cổ ở mỗi địa phương đều khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện địa lý và thời điểm xây cất. Tựu trung lại, nhà cổ ở miền Tây có hai lối kiến trúc cơ bản: thuần Việt và Việt - Pháp, trong đó chiếm số lượng lớn vẫn là nhà xây cất theo lối truyền thống: nhà rường - 3 gian hoặc 3 gian 2 chái (nhà chữ Ðinh). Tuy nhiên, ngôi nhà cổ ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ (còn gọi là nhà cổ Vườn Lan) lại có đến 5 gian 2 chái, rộng gần gấp hai những ngôi nhà cổ bình thường. Sở dĩ ngôi nhà cổ này rộng lớn đến như vậy là vì sau lần xây cất đầu tiên năm 1870, gia chủ cho xây cất mở rộng thêm một số hạng mục vào đầu thế kỷ thứ 20. Nhà cổ Vườn Lan được xây dựng theo phong cách Việt - Pháp. Năm gian nhà xây trát bằng hồ vôi tam hợp (hỗn hợp vôi bột, mật đường và ô dước) nhưng cột, kèo bằng gỗ lim đen bóng được gắn kết khít khao bởi kỹ thuật mộng ngàm điêu luyện. Hệ thống bao lam được tạo tác những hình ảnh quen thuộc gần gũi với đời sống người Việt ở Nam Bộ như: tùng, trúc, mai, lộc... Tuy nội thất bố trí theo phong cách phương Tây như sàn lát gạch Pháp, treo đèn kiểu phương Tây nhưng nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà là gian thờ tổ tiên lại mang bản sắc thuần Việt. Ðiều này cho thấy sự giao lưu văn hóa Ðông - Tây một cách hài hòa. Chủ nhân tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ cốt cách của dân tộc, phát huy nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Song khi bước vào một ngôi nhà cổ thuần Việt thì không gian văn hóa lại vô cùng khác lạ. Ðiển hình như ngôi nhà cổ bằng gỗ quý của ông Nguyễn Khắc Thiện, ở phường 3, TP Vĩnh Long có diện tích rộng 282 m2 trên tổng diện tích khu vườn 2.000 m2. Toàn bộ căn nhà đều dùng gỗ quý để xây cất từ cột, kèo, mè, dui, đến cửa, nóc lợp bằng ngói âm dương, nền lát gạch đỏ (gạch đất nung). Nội thất bên trong nhà cũng tạo một ấn tượng sâu sắc đối với du khách. Bao lam, thành vọng đều được làm bằng gỗ, chạm khắc hoa văn tinh tế. Các cột gỗ trong gian phòng khách rộng đều có liển đối Hán - Nôm với các con chữ, bức họa khảm xà cừ tuyệt đẹp. Ðặc biệt, toàn bộ bàn ghế, tủ thờ đều là gỗ khảm xà cừ, cùng với thời gian gỗ lên nước bóng loáng có thể nhìn thấy mặt người. Có thể nói, đây là ngôi nhà cổ truyền thống của người Việt Nam ở miền Tây còn được giữ gìn kỹ lưỡng và nguyên bản nhất. Ông Nguyễn Khắc Thiện, chủ nhà cho biết: Ðã có không biết bao nhiêu đoàn khách từ khắp nơi trong và ngoài nước đến tham quan ngôi nhà rồi như không muốn rời chân. Và cũng có không biết bao nhiêu đại gia, giới mua bán nhà cổ đến dạm ngỏ nhưng tôi đều từ chối thẳng thừng. Ngôi nhà này đã trải qua hơn 100 năm, đến tôi là đời thứ tư cho nên phải giữ gìn, bảo quản từng chi tiết, vật dụng của cha ông để tự hào và giáo dục cho con cháu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Quyết liệt bảo vệ nhà cổ
Trước áp lực của thời gian và nhu cầu của cuộc sống thời kinh tế thị trường từng ngày thay đổi, những ngôi nhà cổ ở miền Tây đã và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Theo một cuộc thống kê, đánh giá của Bảo tàng Vĩnh Long, trước đây tại phần lớn các huyện trong tỉnh đều có khá nhiều nhà cổ đẹp, rộng lớn và kiên cố. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, hàng loạt ngôi nhà trong số đó bị bom đạn phá hủy, một số khác do chính con người hủy hoại. Ðến huyện Tam Bình, chúng tôi nghe các bậc cao tuổi kể về sự biến mất của ngôi nhà cổ to đẹp và kiên cố nhất vùng này. Số là do sợ bị trộm cướp, chủ nhà là một người nổi tiếng giàu có ở Tam Bình đã cho xây tường 40 cm bao quanh toàn bộ ngôi nhà, đến nỗi đạn bắn không thủng. Chính vì vậy, khi chiến tranh xảy ra, cả xóm đã xúm lại hợp sức phá hủy ngôi nhà vì sợ bị giặc chiếm làm đồn bót. Tuy nhiên, những ngôi nhà còn sót lại sau chiến tranh đến ngày giải phóng thì dần dần bị chính con người tàn phá. Dân gian có câu: "Không ai giàu ba họ..." cho nên chính sự giàu sang không ai nói trước được cho nên số phận những ngôi nhà cổ cũng hẩm hiu. Nhà nghiên cứu văn hóa Trương Ngọc Tường khẳng định: Người xưa xây cất nhà cổ to đẹp để lại cho con cháu nhưng vì nghèo nhiều người tranh giành nhau rồi mỗi người tháo gỡ một chi tiết trong nhà đem bán quạ, bán dìu. Tại Vĩnh Long, chỉ từ năm 2007 đến nay đã có ba ngôi nhà cổ bị mua bán và nhiều ngôi nhà khác đang bị làm giá hoặc tháo dỡ xây dựng nhà mới. Không chỉ có người dân, ngay trong các cơ quan Nhà nước cũng góp phần làm "chảy máu nhà cổ". Hàng loạt ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi đã bị tháo dỡ nhường chỗ cho các nhà máy, xí nghiệp mọc lên tại các khu công nghiệp. Tại Vĩnh Long, phần lớn các ngôi nhà cổ, thậm chí các kiến trúc cổ tại đình, chùa, miếu mạo đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia nhưng chưa được lập hồ sơ khoa học bảo tồn. Mặt khác, về công tác bảo tồn, trùng tu các di tích hiện nay hết sức bất cập, nhất là hạn chế về kiến thức trong đội ngũ làm công tác này. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho biết: "Hiện nay việc trùng tu nhà cổ bất cập. Còn rất ít thợ có đủ trình độ và tay nghề để trùng tu những ngôi nhà cổ đúng nguyên bản. Mặt khác, ý thức của người đang sở hữu nhà cổ cũng là điều đáng nói. Do nhu cầu của cuộc sống, họ muốn tân trang, tự ý thay đổi các chi tiết, vật dụng trong ngôi nhà theo kiểu hiện đại. Ngoài việc có tiền, đòi hỏi người sở hữu phải có kiến thức nhất định về nhà cổ. Ðể bảo tồn, Bảo tàng Dân tộc học phải quyết liệt vào cuộc. Ðồng thời Nhà nước cần có những chính sách thỏa đáng thì việc bảo tồn, phát huy giá trị ngôi nhà cổ dân gian sẽ có hiệu quả và khả thi".
Nguồn Báo Nhân Dân