Không tìm được tiếng nói chung
Trước tiên, cần phải khẳng định, các sáng tác âm nhạc là tài sản riêng thuộc quyền sở hữu của các tác giả. Việc thực thi trách nhiệm về bản quyền đối với các nhạc sĩ là điều hiển nhiên cần tuân thủ như đã được quy định rõ ràng trong Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, sự ra đời và thành lập của các trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam như VCPMC nhằm bảo đảm quyền lợi về tác quyền cho các nhạc sĩ là điều hợp lý. Trong bối cảnh các hiện tượng vi phạm quyền tác giả vẫn còn phổ biến, việc VCPMC tập hợp các nhạc sĩ lại để lấy ý kiến đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật xem xét, giúp đỡ ủng hộ, nhằm bảo đảm quyền lợi theo đúng luật pháp của nhạc sĩ cũng là điều hoàn toàn chính đáng. Song, vấn đề đáng bàn ở đây lại nằm ở cách thức đề đạt nguyện vọng cũng như con đường tìm thấy sự đồng thuận trong hành động.
Tiết mục biểu diễn của ca sĩ Hồng Nhung trong chương trình "Ru tình".
Theo Cục NTBD, ngày 22-2, cục đã nhận được một lá đơn "không đầu không đuôi" được đóng dấu giáp lai của VCPMC, về hình thức là bản viết ghi nội dung sự việc nhưng về nội dung thực chất là tố cáo và quy kết Cục NTBD sai phạm trong cấp phép biểu diễn dẫn tới gây thất thoát tiền của cho nghệ sĩ. Lá đơn được gửi đi kèm 57 chữ ký của các nhạc sĩ và tác giả lời ca, trong đó có đoạn: "Thực tế chứng minh, việc đóng dấu đỏ cấp phép cho các chương trình biểu diễn khi chưa xin phép tác giả đã hợp thức hóa những hành vi xâm phạm luật pháp, thậm chí gợi ý và tạo điều kiện cho những hành vi xâm phạm luật pháp, tước đoạt quyền và lợi ích cơ bản của những công dân có tài sản âm nhạc được luật pháp Việt Nam và các Công ước Quốc tế bảo hộ. Chúng tôi, các nhạc sĩ và các tác giả lời ca ký tên dưới đây chính thức yêu cầu Cục NTBD chỉ cấp phép cho các cá nhân, tổ chức biểu diễn cũng như các tổ chức xuất bản băng đĩa đã xin phép và được sự đồng ý của chúng tôi đúng như những quy định của luật pháp". Cũng trong bản kiến nghị, VCPMC đưa ra thống kê: số lượng các chương trình biểu diễn trốn tránh nghĩa vụ luật pháp về quyền tác giả ở khu vực Hà Nội và một số vùng lân cận lên tới con số hơn 90% năm 2010 và hơn 80% năm 2011.
Ngay lập tức, Cục NTBD đã lên tiếng khẳng định từ trước tới nay, không có chuyện cục thiếu nghiêm túc trong thực thi luật pháp và bảo hộ quyền tác giả. Cục trưởng NTBD Vương Duy Biên cho biết: Trong luật cấp phép có yêu cầu các đơn vị tổ chức biểu diễn, các nghệ sĩ biểu diễn phải thực hiện đúng nội dung chương trình đã được cấp phép, không yêu cầu đơn vị tổ chức phải có hóa đơn thanh toán tiền bản quyền trong hồ sơ xin cấp phép. Cơ quan cấp phép chỉ yêu cầu họ cam kết thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ chứ không thể ép buộc họ phải nộp hóa đơn đã trả tác quyền rồi mới được cấp phép. Việc chi trả tác quyền âm nhạc thuộc về giao dịch dân sự và mang tính thỏa thuận. Nếu đơn vị nào vi phạm, các tác giả hoặc đơn vị được ủy quyền như VCPMC có quyền kiện họ. VCPMC không có quyền yêu cầu cơ quan quản lý dùng biện pháp hành chính để thu tiền thay mình.
Tiếp đó, Cục NTBD đã tiến hành xem xét quá trình làm đơn và cho rằng VCPMC vi phạm nghiêm trọng Luật Khiếu nại khi tập hợp các nhạc sĩ ký khống vào giấy trắng mà chưa có nội dung đơn được soạn thảo. Theo cục, khi được hỏi, các tác giả như nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Phan Thị Thanh Nhàn hay bà Thanh Hồng (vợ cố nhạc sĩ, Bộ trưởng Trần Hoàn) đều trả lời đã ký vào đơn khi chưa đọc rõ nội dung đơn, chỉ ký với mong muốn được các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp giúp đỡ nhằm bảo đảm quyền lợi cho các tác giả. Khi Cục NTBD công khai câu trả lời của Giám đốc VCPMC Phó Ðức Phương về vấn đề Trung tâm định giá tiền tác quyền cho các tác giả theo số ghế ngồi trong chương trình biểu diễn đã làm một bộ phận nhạc sĩ giật mình nghi ngại về việc thu chi của trung tâm. Việc lên tiếng của các nhạc sĩ Phú Quang và Quốc Trung trước báo giới cho rằng, VCPMC "tùy tiện" trong khai thác và trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ đã góp phần hâm nóng thêm bầu không khí vốn đã căng thẳng. "Ðơn cử như một chương trình tổ chức tại Hải Phòng, đơn vị tổ chức biểu diễn trả tác quyền cho các ca khúc của tôi là 20 triệu đồng, nhưng tôi chỉ được nhận 10 triệu đồng. Nghe VCPMC công bố thu 41 tỷ đồng/năm thì hoành tráng thật đấy, ai không biết tưởng các nhạc sĩ đang sống trên tiền, nhưng đâu có biết sự thật không phải vậy." (trích ý kiến của nhạc sĩ Phú Quang). Phản ứng lại thông tin này, ông Phó Ðức Phương khẳng định, 41 tỷ đồng năm 2011 mà VCPMC thu được hầu hết là từ lĩnh vực nhạc chuông, nhạc chờ, ka-ra-ô-kê, còn lĩnh vực biểu diễn chỉ thu được dưới 10%. Thêm vào đó, trong công tác chi trả, mỗi nhạc sĩ nhận tiền đều có bản kê tiền được nhận từ đơn vị nào trả, số tiền bao nhiêu. Công tác tài chính của VCPMC luôn được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán của Anh là Grant Thornton.
Lời giải nào cho vấn đề tác quyền âm nhạc Việt Nam ?
Chứng kiến những phản ứng qua lại giữa VCPMC và Cục NTBD trong suốt thời gian qua, người ta có cảm giác như đang được xem một màn đá pê-nan-ty giữa hai đội bóng. Một bên là đơn vị quản lý cấp cao nhất về nghệ thuật biểu diễn, một bên là trung tâm bảo vệ quyền cho các tác giả âm nhạc, tất cả đều hoạt động vì nghệ thuật biểu diễn và những nghệ sĩ biểu diễn, nhưng dường như mỗi bên đang chơi một nhạc cụ mà chẳng tìm được giai điệu chung. Xuất phát điểm ban đầu của sự việc có nguồn gốc từ nguyện vọng muốn được bảo vệ quyền lợi cho các tác giả âm nhạc theo đúng pháp luật. Nhưng hướng diễn biến của sự việc cho đến thời điểm này lại đang thu hút dư luận quan tâm nhiều hơn đến chuyện ai đúng, ai sai, còn vấn đề tìm cách nào để giải quyết những bất cập trong vấn đề thực thi bản quyền tác giả vẫn đang bị bỏ ngỏ. Một số đơn vị tổ chức biểu diễn chia sẻ kinh nghiệm tự thỏa thuận tác quyền với các tác giả. Còn một số nhạc sĩ khác bày tỏ ý tưởng sẽ xúc tiến thành lập các trung tâm bảo vệ quyền tác giả mới. Trao đổi về giải pháp để tìm ra hướng đi chung, đại diện Cục NTBD Trần Ðức Thọ bày tỏ quan điểm: "Khi nhận được đơn khiếu nại của VCPMC, lẽ ra cục không cần xem xét vì đơn không hợp lệ, nhưng vì nội dung đơn có tính tố cáo, quy buộc nên cục cần tiến hành xem xét vấn đề. Trong quá trình xem xét sự việc, cục phát hiện ra nhiều sai phạm của VCPMC và trách nhiệm của cục là phải thông báo những sai phạm đó. Tuy nhiên, quan điểm của cục là muốn Giám đốc Phó Ðức Phương và trung tâm tự rút kinh nghiệm và điều chỉnh, khắc phục yếu điểm, chấp hành đúng pháp luật. Khi đó, cục sẵn sàng phối hợp trong việc bảo vệ tác quyền cho các tác giả bằng cách hằng tuần, tháng, năm, Hội Nhạc sĩ và trung tâm có thể sang cục để lấy danh sách các đơn vị, các nghệ sĩ mà cục đã cấp phép biểu diễn, từ đó yêu cầu họ thực hiện trả tác quyền theo đúng ủy thác của các tác giả. Cục cũng khuyến khích thời gian tới sẽ có thêm các trung tâm bảo vệ quyền tác giả mới ra đời để bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho các tác giả âm nhạc và bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong thị trường âm nhạc".
Thiết nghĩ, ý nguyện cùng chung sức để gây dựng một nền âm nhạc lành mạnh, hoạt động đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho các nhạc sĩ chỉ có thể được thực hiện khi những cơ quan chức năng có sự phối hợp thật nhịp nhàng dựa trên cơ chế luật pháp rõ ràng, minh bạch, đúng đắn; tự bản thân các nhạc sĩ hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng của mình; các đơn vị tổ chức, nghệ sĩ biểu diễn hiểu được trách nhiệm của mình với các ca khúc, các tác giả và có ý thức tự giác thực hiện. Những diễn biến vừa qua trong đời sống âm nhạc Việt Nam xoay quanh vấn đề thực hiện tác quyền âm nhạc dự báo sẽ còn nhiều cam go, phức tạp. Song dẫu sao, đó cũng là hồi chuông cảnh báo cho ý thức và trách nhiệm, để sắp tới có một môi trường hoạt động âm nhạc lành mạnh hơn, chuẩn mực hơn.
Nguồn Báo Nhân Dân