Bằng ngòi bút sắc bén của mình, Wilfred Burchett đã viết tám cuốn sách về Việt Nam trong số 35 cuốn sách ông viết vào các năm 1950-1960. Nhà triết học người Anh nổi tiếng Bertrand Rusell, được giải Nobel hòa bình năm 1966 đã viết về Wilfred Buchett : “Nếu phải mắc nợ ai đó vì đã thức tỉnh công luận phương Tây về bản chất của cuộc chiến tranh này và khiến cho mọi người biết đến cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thì người đó là Wilfred Burchett. Với tôi, cuốn Cuộc chiến vụng trộm của ông là một tài liệu có giá trị quyết định giúp tôi biết đến cuộc đấu tranh phi thường của nhân dân Việt Nam một cách sinh động nhất. Có thể nói, chỉ từ khi đọc Wilfred Burchett tôi mới thực sự hoàn toàn đứng về phía nhân dân Việt Nam với một quyết tâm sâu sắc. Ông là một người viết sử đương đại, một nhà báo thận trọng và sâu sắc, người đã tự coi mình là một với dân tộc Việt Nam, và đã phụng sự dân tộc mình một cách đáng khâm phục. Chính vì ông đã viết một cách xúc động đến thế và với một tin tưởng mãnh liệt đến thế mà nhiều người chúng ta đã trực tiếp dấn thân bênh vực sự nghiệp của người Việt Nam. Burchett đã tìm thấy một tổng hòa đúng đắn của cam kết đạo đức và chính trị. Những bài viết của ông luôn chính xác và trung thực, vừa mang lại tin tức vừa vận động được những ai có may mắn được đọc ông”.
Wilfred Burchett là một trong những nhà báo xuất sắc của thế kỷ 20. Ông sinh ngày 16-9-1922 tại thành phố Melbourn nước Australia. Ông tường thuật và phân tích diễn biến Đại chiến thế giới thứ hai tại Trung Quốc, Burma, Ấn Độ và khu vực Thái Bình Dương cho tờ nhật báo London Daily Express. Tháng 9-1945, ông là nhà báo phương Tây đầu tiên có mặt tại Hiroshima ngay sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố này. Bài báo của ông với tựa đề 'Thảm họa hạt nhân: Tôi viết để cảnh báo thế giới' được đăng trên trang nhất tờ Daily Express ngày 6-9-1945.
Trên đường tới Geneva để viết về Hội nghị nhằm chấm dứt chiến tranh ở Triều Tiên, Wilfred Burchett đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đại bản doanh của Người tại Thái Nguyên trên vùng chiến khu Việt Bắc để tóm lược tình hình Đông Dương. Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Bác Hồ vào cuối tháng 3-1954 ngay trước trận Điện Biên Phủ được Burchett miêu tả trong cuốn “Phía Bắc vĩ tuyến 17” như sau : “ Thật khó tin là chỉ sau vài giờ sau khi đến nơi, chúng tôi đã có thể ngồi đối diện với nhà lãnh tụ cách mạng huyền thoại này. Nhưng mà ông ở đó, gương mặt hiền từ không lẫn với ai được, đôi mắt đen sâu thẳm lấp lánh, bộ râu mỏng rối bời, gương mặt chúng tôi đã biết từ những bức ảnh và chân dung trong nhiều năm qua. Ông bất ngờ xuất hiện từ trong bóng tối của rừng rậm, một chiếc áo gió vắt ngang vai như khăn choàng, rảo bước với một chiếc gậy tre dài, mũ cối nghển cao trước trán. Sau khi đã khiến chúng tôi thoải mái bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh rất lưu loát- và cả mấy câu tiếng Italia với bạn đồng sự người Italia của tôi – chúng tôi mới hỏi Hồ Chủ tịch tại sao các đài phát thanh lại đang rùm beng đến thế về Điện Biên Phủ. Thực ra là ở đó đang có chuyện gì vậy ?- “Đây là Điện Biên Phủ”- Bác Hồ vừa nói vừa lật ngửa chiếc mũ cối trên mặt bàn. 'Đây là núi hết', những ngón tay mảnh dẻ nhưng mạnh mẽ của ông đưa vuốt quanh vành ngoài của chiếc mũ, “Chúng ta đang ở đó. Còn dưới này”, ông nắm tay đặt sâu xuống lòng mũ, “là lòng chảo Điện Biên Phủ. Ở đó - là người Pháp. Họ không thể thoát ra ngoài được. Có thể mất thời gian đấy, nhưng họ không thể thoát được”.
Suốt ba thập kỷ sau cuộc gặp đầu tiên này, Wilfred Burchett đã viết tường thuật nhiều giai đoạn khác nhau trong công cuộc tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Tám cuốn sách của ông về Việt Nam đều trở thành những cuốn sách bán chạy ở phương Tây. Những cuốn sách, những bài báo và phim tài liệu của ông về Việt Nam đều được đọc và được xem trên khắp thế giới và có ảnh hưởng lớn đến việc thức tỉnh công luận thế giới về cuộc chiến tranh Mỹ gây ra tại Việt Nam và tập hợp họ chống lại chiến tranh. Wilfred Burchett là người bạn lớn luôn ủng hộ Việt Nam và là người bạn thân thiết của nhiều lãnh tụ Việt Nam : Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, bà Nguyễn Thị Bình và nhiều người khác. Ông là phóng viên phương Tây hiếm hoi từng sống cùng cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền nam trong hai cuộc kháng chiến.
Wilfred Burchett mất ngày 27-9-1983 khi ông ở tuổi 72. Nhà báo Thép Mới đã viết bài báo nhan đề “ Người Đồng chí Chiến đấu của Việt Nam” đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 2-10-1983 để tưởng nhớ ông. Trong bài báo, Thép Mới có viết : “ Wilfred Burchett là nhà báo nước ngoài đầu tiên đến miền Nam Việt Nam. Ở thời điểm khi một số người chỉ đánh võ mồm bằng cách gọi đế quốc Mỹ là “con hổ giấy” và nhiều người khác còn chưa hoàn toàn tin vào thắng lợi cuối cùng của chúng ta. Chúng ta không thể không đánh giá cao lòng dũng cảm của nhà báo ấy. Người đã tình nguyện nhảy vào lửa để tìm ra sự thật. Khi miền nam Việt Nam còn chìm trong hỗn loạn, khi đất nước còn rung chuyển dưới gót giày bọn xâm lược và tay sai của chúng, Burchett đã xin phép Bác Hồ để được vào Nam”.
Đầu tháng 9 năm nay, để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà báo Wilfred Burchett, họa sĩ George Burchett, con trai thứ hai của ông đã có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc triển lãm ảnh “ Wilfred Burchett và Việt Nam” và ra mắt cuốn sách giới thiệu các bức ảnh và một số trang viết của Wilfred Burchett được chọn lọc từ ba cuốn sách ông viết về Việt Nam : Phía Bắc Vĩ tuyến 17 ( 1954-1955); Chiến tranh Du kích- Câu chuyện từ trong lòng chiến khu (1963-1964) và Bắc Việt Nam (1966).
Họa sĩ George Burchett đã chọn một trăm bức ảnh do Wilfred Burchett chụp và một số bức ảnh người khác chụp ông ở Việt Nam từ cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Nguyên cuối tháng 3-1954 đến tháng 5-1966. Những bức ảnh ghi lại hình ảnh Việt Nam trong hòa bình và chiến tranh, hình ảnh những con người bình thường trên nhiều lĩnh vực khác nhau đang làm việc để xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước ở hai đầu Bắc Nam. George Burchett cho biết : “ Khi lựa chọn và scan những bức ảnh này cho cuộc triển lãm và cuốn sách, tôi vô cùng xúc động bởi những gương mặt, đa số còn rất trẻ, đang tươi cười xuất hiện trên màn hình máy tính của tôi. Tôi muốn mời những người đọc sách và những người xem triển lãm ngắm kỹ những bức ảnh này. Trong đó chứa đựng tính nhân văn vốn liên kết chúng ta. Những bức ảnh nhắc nhở chúng ta rằng lịch sử vẫn tồn tại, và chúng ta không thể quên quá khứ. Thậm chí cả những người thua cuộc cũng học được nhiều điều từ quá khứ của họ. Một quá khứ vinh quang hào hùng là tài sản vô giá của một Dân tộc.”.
100 bức ảnh được George Burchett lựa chọn và chú thích tỉ mỉ được sắp đặt một cách nghệ thuật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều bức lần đầu tiên được công bố. Cuộc triển lãm sẽ được khai mạc vào sáng ngày 14-9 và kéo dài đến ngày 4-10. Cuộc triển lãm sẽ làm rung động trái tim người xem bởi tình cảm chân thành và cái nhìn đầy nhân văn thiện cảm của một người bạn lớn luôn kề vai sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong những ngày tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến.
Nguồn Báo Nhân Dân