Một vùng phát tích của Phật giáo Việt Nam
Tây Thiên nằm trong thung lũng lòng chảo thuộc hệ thống núi Tam Đảo, bao bọc bởi 3 ngọn núi cao trên ngàn
mét: Thạch Bàn ở giữa, tả - hữu là Phù Nghĩa và Thiên Thị.
Dọc theo những con suối tại Tây Thiên có rất nhiều di tích đền chùa thờ Đức Phật và Thánh Mẫu, trong đó đặc biệt nhất là: Tây Thiên (chùa Thượng), Tây Thiên Thăng Long (chùa Tây Thiên Phù Nghì) và Thiên Ân. Ba ngôi chùa cổ này được xác định có niên đại ít nhất từ thời Trần (thế kỷ 8 sau Công nguyên).
Ngọc phả 18 đời Hùng Vương có đoạn chép rằng: Hùng Chiêu Vương (Hùng Vương thứ VII) khi lên Tam Đảo cầu Tiên đã thấy có Tây Thiên Cổ tự thờ Phật. Đây cũng là điểm dừng chân truyền đạo đầu tiên của 1 trong 9 đoàn truyền giáo đến từ đất Phật tại Ấn Độ, thời vua A Dục - Thế kỷ III trước Công nguyên. Đoàn truyền giáo thứ tám do 2 vị cao tăng là Sona và Uttara dẫn đầu đã đến Việt Nam bằng đường bộ. Qua vùng kinh đô nước Văn Lang ở Phong Châu theo dòng chảy sông Hồng đến giao lộ Việt Trì, hai Ngài đã chọn núi Thạch Bàn để bắt đầu hành trình hoằng dương Phật pháp.
Cũng từ đó, vùng núi này được gọi là Tây Thiên (bầu trời Tây - chỉ riêng nơi phát tích của Đức Phật và Đạo Phật). Cũng từ nơi đây, Phật pháp đã phát triển rộng rãi. Minh chứng qua các lần khai quật khảo cổ càng khẳng định rằng cùng với Yên Tử, Tây Thiên chính là trung tâm Phật giáo mang tầm cỡ quốc gia vào thời cực thịnh của Phật giáo nước nhà.
Chùa Thượng Tây Thiên.
Các ni sư hành lễ theo pháp tu Mật Tông Tây Tạng dòng truyền thừa Drukpa
ở tịnh thất Tây Thiên để cầu an dịp đầu năm.
Mối tình đẹp nhất trong 18 đời Vua Hùng
Vào thế kỷ XIX, bị ấn tượng bởi vẻ đẹp của bức tranh thủy mặc Tây Thiên và những ngôi chùa, mái đền ẩn trong rừng núi, danh sĩ Cao Bá Quát đã phóng tác nên những vần thơ còn được ghi lại trong Cao Chu Thần thi tập: "Cửu khúc hồi khê sơn bách chuyển/Độc cao phong bán thị Tây Thiên. Nghĩa là: Chín khúc suối về, trăm núi lượn/Chừng cao nửa ngọn, ấy Tây Thiên".
Chính vùng đất nên thơ ấy đã ghi lại một thiên tình sử liêu trai đẹp nhất trong 18 đời Vua Hùng. Nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên dựa trên những sử liệu còn lại, cho biết: Tương truyền, Hùng Chiêu Vương nghe tin ở núi Tam Đảo thường có quần tiên về hội họp nên tìm tới nơi để ngự lãm. Thấy nơi đây cảnh trí gấm hoa, hàng nghìn sắc màu nối nhau tựa các lâu đài, suối xanh chằng chịt, muôn loài hoa cỏ tranh thơm, đầu núi có một am nhỏ với bốn chữ đề "Tây Thiên Cổ Tự", nhân đó vua mới lập đàn tràng cử hành chay lễ. Vua và các quan đều vào lễ báirồi mở một trường công đức ở trong chùa, cầu đảo 7 ngày 7 đêm. Sau đó, nhà vua xuống núi và gặp bà Lăng Thị Tiêu (sinh ở thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, Tam Dương), tuyển làm Hoàng phi.
Khi trong nước có loạn giặc Thục, Hoàng phi Lăng Thị Tiêu đã chiêu mộ binh sĩ, giúp Vua cứu nước, cứu dân. Bà đã cùng Vua mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị. Từ đó, mở ra một triều đại mới với 7 đời vua kế tiếp nhau, ở ngôi tới 200 năm, là thời kỳ xã hội ổn định, thiên hạ thái bình.
Khi mất, bà thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước. Trong Từ điển Bộ Lễ của nhà Lê, bà được xếp thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh, được vinh phong là "Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương". Bà là Đệ Nhất Thượng Đẳng Phúc Thần (vị thần tối cao bảo trợ cho dãy Tam Đảo), là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ).
Trên núi Thạch Bàn, đền thờ bà tọa lạc cùng với chùa Tây Thiên, nên cũng gọi là đền Thượng Tây Thiên. Đền Chùa được xếp đặt liền nhau như vậy là để tỏ lòng trân trọng, ghi nhận sự tích tình yêu và công lao của người phụ nữ tài ba, có công với dân với nước.
Hệ thống cáp treo Tây Thiên có chiều dài 2,5 km đã được đưa vào phục vụ
du khách từ ngày 16/2/2012.
Chốn bồng lai tiên cảnh
Một cuộc tình đẹp trong lịch sử gắn liền với "nàng Tiên" Lăng Thị Tiêu trong vùng đất Tiên là câu chuyện thần tiên tuyệt tác có thực ở Tây Thiên. Nơi đây còn có các dấu tích về Tiên qua các địa danh được nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên thống kê lại:Thiên Thị (Chợ Trời): Chợ họp của quần Tiên, là ngọn cao nhất (1.585m) trong ba ngọn chủ sơn của dãy Tam Đảo. Tiên Uyển (Vườn Tiên) ở trong núi có nhiều hoa đẹp, cây quý. Trên núi Thạch Bàn độ cao 1.420m có Bàn cờ tiên chu vi ước rộng trên 1 mẫu.Trên núi còn có các di tích phản ánh cuộc sống thần tiên như: am Vân Tiêu, am Lưỡng Phong, cầu Đái Tuyết, suối Trường Sinh...
Vùng đất Tây Thiên thiêng liêng, thiên nhiên kỳ vĩ là nơi phát tích của Phật - Mẫu - Tiên, hòa quyện đời thực và cõi mộng cho đến hôm nay vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ, quanh năm có mây mù, thông reo, chim hót... không chỉ cuốn hút du khách về dự hội vào ngày 14 tháng Hai âm lịch mà còn hấp dẫn họ vào bất kỳ thời gian nào trong năm.
Trong mùa lễ hội Tây Thiên 2012, ngoài các giá trị về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng, du khách sẽ được tận hưởng cảnh quan tuyệt vời của bức tranh thủy mặc Tây Thiên từ độ cao 200m của hệ thống cáp treo Tây Thiên hiện đại.
Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống dịch vụ phụ trợ rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa và sinh thái của du khách như: vận chuyển đồ và hành khách; gói dịch vụ tâm linh, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; hệ thống xe điện được sử dụng để chuyên chở du khách từ khu đỗ xe vào ga cáp treo hay từ chân đền Thỏng tới đền Cậu; dịch vụ lưu trú được thiết kế theo phong cách địa phương và phong cách tôn giáo nằm giữa thiên nhiên; dịch vụ chụp ảnh lưu động của Cáp treo Tây Thiên từ độ cao 200m; quà tặng lưu niệm từ vật liệu địa phương...
Cáp treo Tây Thiên là dự án thuộc Trung tâm Văn hóa - Lễ hội Tây Thiên, góp phần bảo tồn và phát triển Quần thể di tích danh thắng Tây Thiên trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng, xứng với tiềm năng vốn có.
Nguồn Giadinh.net.vn