(NTO) Tôi đã có rất nhiều bài đăng báo, nhưng viết về mẹ thì không sao viết nổi dù chỉ là một tản văn. Công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ khó có những ngôn từ nào nói cho hết, kể cho xiết. Và tôi sợ ngòi bút của mình còn non nớt như tôi mãi là đứa trẻ trước mẹ và mãi mãi:“Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”.
Mẹ tôi, một bà mẹ quê mùa quanh năm suốt tháng làm bạn cùng đồng ruộng, vườn tược. Từ thời son trẻ đến lúc tóc bạc trắng đầu, cây lúa, cây rau, đất quê đã nặng nợ với mẹ. Mẹ chịu thương, chịu khó suốt những năm dài ba đi kháng chiến. Tấm thân mỏng manh, đôi bàn tay thô ráp, chai sần đã tần tảo lo cho ba anh em tôi ăn học đủ đầy bằng chúng bạn. Hạt lúa, củ khoai thấm đẫm bao mồ hôi, công sức của mẹ để mong đổi được cái chữ cho anh em tôi. Ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn in đậm hình ảnh mẹ nhỏ bé dưới những chiều mưa trên đồng cấy cho hết đám mạ non. Mưa lạnh buốt mà tay mẹ cứ thoăn thoắt dưới làn nước trắng xóa đất trời. Thương mẹ làm sao những trưa nắng chang chang cắt lúa ngoài đồng xa. Cái nóng làm lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Hết việc ngoài ruộng đồng, mẹ lại về làm mảnh vườn sau nhà. Nhà tôi lúc nào vườn cũng xanh mướt những đám rau, mướp, bí hay bầu trĩu quả. Nhọc nhằn, vất vả nhưng chưa một lần tôi nghe mẹ kêu ca, cằn nhằn con cái. Mẹ là vậy, lúc nào cũng ăm ắp yêu thương dành cho con.
Những đêm khuya giá lạnh, mẹ nhẹ nhàng thức dậy đắp lại cho con tấm mềm ấm áp. Anh em chúng tôi đi đâu chưa về là thấp thỏm không yên, trông đứng trông ngồi, đi ra đi vào. Ngày ấy còn bé, tôi cứ mê chơi với bạn bè chẳng lo lắng giúp được gì cho mẹ. Tôi cứ mãi vô tư để đôi vai mẹ thêm trĩu nặng âu lo, để tấm lưng nhỏ bé của mẹ thêm còng, để những nếp nhăn sớm hằn trên trán.
Đã bao lần tôi làm mẹ phải buồn. Nhớ năm học cuối cấp hai, mẹ muốn tôi siêng học vì là năm thi tốt nghiệp và thi vào cấp ba. Thế mà tôi vẫn lén đi chơi lúc mẹ ra đồng cấy lúa. Mẹ biết và buồn ghê lắm, la cho một trận nhớ đời. Mẹ quặn lòng mỗi khi anh em tôi có lỗi với bạn bè, láng giềng. Bao giờ mẹ cũng là người xin lỗi trước bởi “con dại cái mang”. Ấy vậy mà mẹ không bao giờ dùng đến roi vọt. Mẹ bảo ban tôi lẽ phải ở đời, nhân cách làm người. Lời mẹ răn dạy làm tôi thấm thía, hối lỗi và nhận ra rằng mẹ kì vọng vào việc học, sự lớn khôn của con cái rất nhiều. Và tôi lớn thành người từ những lời dạy bảo của mẹ ngày đó… Cứ thế anh em tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương tha thiết của mẹ.
Đất nước thống nhất, ba tôi ở lại quân đội. Ba cứ đi xa đằng đẵng, mẹ một mình nuôi anh em tôi ăn học thành tài. Tôi vào đời, biền biệt xa mẹ, xa quê. Những mùa cấy, mùa gặt chẳng về được giúp mẹ. Và có nhiều lúc tôi đã quên rồi bùn đất quê hương. Mẹ cực nhọc đi qua những vụ mùa gian nan. Mẹ không giận còn thường xuyên gọi cho tôi dặn dò đủ thứ. Nào là phải giữ gìn sức khỏe. Nào là sống phải có trước có sau. Nào là phải suy nghĩ chín chắn trước khi làm việc gì đó... Mẹ khóc khi tôi té ngã trên đường đời lắm thác nhiều ghềnh này. Và chính mẹ giúp tôi có thêm nghị lực đứng dậy sau khi trượt ngã.
Có không biết bao nhiêu dự tính làm cho mẹ, nhưng hơn hai chục năm tôi vẫn chưa thực hiện được. Những ngày 8/3, ngày sinh nhật mẹ qua đi, tôi chưa một lần tặng bà một món quà dù là nhỏ bé. Tôi thấy mình sao quá đỗi vô tâm.
Tôi hứa với lòng mình sẽ làm cho mẹ một điều gì đó. Tôi sợ mai này không còn dù chỉ một cơ hội để mà báo hiếu mẹ...
Hà Đào