(NTO) Uống cà-phê tiêu tốn nhiều thời gian, có thể đến 3-4 giờ đồng hồ. Nơi đó, họ mặc sức luận bàn về đủ mọi kênh thông tin diễn ra, với số tiền khoảng 10.000đ trong túi là đủ tự tin rồi. Ngoài những quán ở vỉa hè với giá bình dân dành cho giới nghiền chất nâu đắng này, còn có nhiều nơi khác tương đối yên tĩnh được dân kinh doanh xem đó là nơi bàn bạc, trao đổi, ký kết hợp đồng làm ăn mang tính chất thương mại. Ngoài ra, về đêm, người đến quán cà-phê giờ đây không chỉ để đơn thuần là nhâm nhi…mà còn tìm kiếm cho mình hình thức giải trí kiểu “2, 3, 4… trong 1”. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề cà-phê khiêu vũ.
Các quán cà-phê trên đường Ngô Gia Tự về đêm. Ảnh: Lê Pháp
Thực tế, cà-phê khiêu vũ không phải là khái niệm mới đối với người dân, nhưng điều đáng lưu ý trong thời gian gần đây, đối tượng ưa thích nhất không phải thuộc về giới trẻ mà là giới trung niên.
Vào phòng khiêu vũ, nhạc sống của quán cà-phê Tiếng Xưa trên đường Ngô Gia Tự, khoảng 8 giờ rưỡi tối, chúng tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi không khí vừa rộn ràng vừa lãng mạn trong tiếng nhạc du dương, khi ngắm nhìn các cặp đôi dập dìu trong điệu nhảy… Trong những bước nhảy trẻ trung, trên khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của các chị trung niên... tôi thấy ánh lên cả một trời xuân sắc mặn mòi.
Vợ chồng Cô M. (gần 60 tuổi), trú ở huyện Ninh Phước hổn hển nói khi tranh thủ mấy phút giải lao: “Cô là khách của quán này thường xuyên, đến đây để khiêu vũ, chồng cô thì đăng ký hát. Khiêu vũ ở đây rất thoải mái, chứ không gò bó, căng thẳng như ở các chỗ khác”. Chị H. (55 tuổi, ở Phường Đạo Long) ngồi cạnh góp chuyện: “Đi khiêu vũ thế này vừa thư giãn vừa phòng được nhiều bệnh tật. Chị mập thế này nhưng nhiều bệnh lắm: Tiểu đường, khớp, mỡ trong máu… Từ ngày đi tập khiêu vũ thường xuyên ở đây thấy đỡ dần, người khỏe ra”.
Theo tôi, đó là nhu cầu hoàn toàn chính đáng, thế nhưng dường như đó không phải là quan niệm của tất cả mọi người. Bằng chứng là khi trò chuyện xong, thấy tôi bấm máy chụp ảnh, cô M. có vẻ lo lắng: “Cháu chụp ảnh thế nào đừng để lộ mặt mọi người đó nghe. Dù các cô đã lớn tuổi, nhưng còn việc nhà, cơm nước vẫn cứ phải lo cho chồng, cho con yên tâm công tác, học tập. Không phải ai cũng thông cảm cho tụi cô đâu…”
Thật vậy, qua tìm hiểu chúng tôi được biết nhiều người có quan điểm không đồng tình và cho rằng: “Đây không phải là phong cách sống của người Á Đông, phụ nữ Việt Nam không nên bắt chước Tây phương, thiếu gì cách giải trí mà phải làm như vậy? Nhiều đôi trẻ yêu nhau họ khiêu vũ cũng đẹp đấy chứ. Rất có hồn và quyến rũ! Nói gì thì nói chỉ khiêu vũ với vợ hoặc với chồng của mình thì được, còn với người khác thì không nên”- một bác đứng tuổi góp thêm ý kiến.
Ngoài những người có lòng đam mê ca hát, ngoài những động tác, vũ điệu khiến cho người ta sống lạc quan, yêu đời hơn, khỏe khoắn hơn...thì nơi đây góp một phần không nhỏ dành cho thế giới riêng của họ. Giá như ai cũng xem đó là một nghệ thuật đẹp, một nét sinh hoạt văn hoá tinh thần, thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc để tô điểm thêm chút thi vị cho đời thì không có điều gì đáng nói!
Thùy Trang