(NTO) Tháng giêng, khi nắng vàng đã trải rộng, đâu đó còn đọng lại cái se lạnh dịu dàng, mùa tình yêu lại bắt đầu với những cung bậc cảm xúc của những đôi tình nhân: yêu thương, giận hờn, nhung nhớ… Ký ức lại đưa tôi về với câu chuyện tình yêu có thể gọi là vĩnh cửu của một người phụ nữ ở Nha Trang (Khánh Hòa) mà số phận đã tình cờ gắn tôi với chị vào một con tàu…
Người kể cho tôi câu chuyện tình ấy là anh Nguyễn Đình Quân, phóng viên Báo Tiền Phong, cùng đi chung đoàn công tác với tôi ra thăm các chiến sĩ ở Trường Sa cuối năm 2011 vừa qua. Khi biết tôi được đi các đảo thuộc tuyến giữa (có đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma), anh đã tìm và nhờ tôi một việc mà anh cho là hết sức quan trọng (vì đoàn phóng viên tuyến giữa chỉ có tôi và một chị nữ nên trọng trách ấy anh giao cho tôi). “Là phụ nữ, có lẽ em sẽ hiểu hơn…”-anh mở đầu câu chuyện.
Anh Nguyễn Đình Quân trao đổi với tác giả và ... những dòng thơ trong gói kỷ vật của chị Trang.
Ngày ấy, ở miền đất Khánh Hòa, chuyện tình yêu đẹp như mơ của nàng “tiểu thư thị trấn” Nguyễn Thị Mỹ Trang (*) và chàng thanh niên nhà nghèo Võ Đình Tuấn được cả bà con lối xóm biết. Một tình yêu thuần khiết, giản dị vì cả hai nhân vật chính ấy đều chưa trao nhau được một cái cầm tay, nói chi tới một nụ hôn. Năm 1987, Tuấn nhập ngũ, còn Trang trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Cuối năm đó, Tuấn nhận công tác ở Trường Sa, ngày chia tay người yêu ở Nha Trang, Tuấn hỏi Trang có muốn anh ở lại không, chỉ cần Trang “ừ”,… Nhưng Trang bảo tương lai hãy còn dài, tụi mình còn trẻ… Thật ra Tuấn đã quyết đi rồi, hỏi vậy chỉ để hiểu lòng Trang. Rồi Tuấn đi… và mãi mãi không bao giờ trở lại. Anh đã cùng đồng đội kết thành “vòng tròn bất tử” và hy sinh trên đảo Gạc Ma trong sự kiện ngày 14-3/1988.
Tôi thắc mắc, “Vậy anh Quân là…”. Anh cười: “Anh không phải họ hàng, gia đình gì của hai nhân vật ấy chi hết. Anh chỉ là một người được số phận gắn vào chuyện tình này thôi.” Tháng 1-2011, trong chuyến công tác đến Trường Sa, anh đã được gia đình anh Võ Đình Tuấn, ở Ninh Ích, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) nhờ chuyển một lá thư của cha mẹ già gửi hương hồn anh. Anh Quân đã làm theo tâm nguyện ấy, trong lễ tưởng niệm, giữa sóng khơi, anh đã khấn và “hóa” (đốt) lá thư ấy. Chuyện này được anh viết trên blog của anh (http://vn.plus360.yahoo.com/thiemthu/article?mid=2908). Và tháng 4-2011, dòng bình luận của một người phụ nữ lạ đã kéo anh vào câu chuyện tình như anh đã kể, “Tuấn ra đi để lại cho mình tất cả những nỗi nhớ nhung, tiếc thương và hối hận…Gần mười năm… mình đã sang ngang…Mình biết Tuấn không đọc được những dòng này nhưng Tuấn sẽ cảm nhận được phải không Tuấn…”. Từ đó, anh Quân và chị Trang (bây giờ đã lập gia đình, hiện đang sống ở huyện Ninh Hòa-Khánh Hòa) là bạn và biết anh sắp đi công tác Trường Sa vào tháng 12-2011, chị đã nhờ anh chuyển một gói kỷ vật đến cho Tuấn tại nơi mà Tuấn đã hy sinh. Chị đã không thể đến được nơi đó, mấy chục năm rồi điều đó cứ mãi ám ảnh chị. Gói kỷ vật ghi lại tình yêu của chị. Tiếc thay anh Quân lại được phân công ở đoàn công tác tuyến Bắc (không tới Gạc Ma) và anh không thể thực hiện tâm nguyện ấy. Trọng trách ấy được chuyển đến tôi. Tôi sẽ thay chị Trang và anh Quân đến “thăm” anh Tuấn…
Hồng Nhạn
_________
(*) Theo yêu cầu nhân vật, tên thật đã được thay đổi.
Kỳ sau: Gửi cho Tuấn…