1.Với nhận thức của khoa học ngày nay, điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái được coi là tác nhân quan trọng đến sáng tạo văn hóa của con người. Sự tác động qua lại giữa tự nhiên và con người là nhân tố chính tạo nên đặc trưng văn hóa. Trên thế giới không ai, không dân tộc nào lại có thể sống mà không cần tới nước. Với tính chất hóa lý khác thường, những hoạt động vĩ đại của nước đã chiếm một vị trí đáng kể trong tự nhiên và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của nhân loại. Quan hệ của con người và nước gắn bó rất chặt chẽ với nhau, không phải ngẫu nhiên mà nhà bác học Dachada Phranca đã từng nói: “Lịch sử văn minh của nhân loại về một khía cạnh nào đó có thể biểu hiện bằng quan hệ giữa con người và nước”.
Do điều kiện tự nhiên, cuộc sống nông nghiệp, người dân Việt Nam gắn bó với nước. Người Việt thời thượng cổ đã nổi tiếng lặn giỏi, bơi tài, thạo thuyền chiến, giỏi dùng thuyền. Lịch sử đã chỉ rõ, trong chiến tranh bất cứ bên nào nắm được quy luật vận động của nước thì có thể lấy nó làm đồng minh, làm vũ khí lợi hại để giành chiến thắng. Ta không thể quên chiến công hiển hách của Ngô Quyền vào thế kỷ X với phương pháp đơn giản, hiệu quả: lợi dụng nước thủy triều lên xuống cho quân cắm cọc chắn ngang dòng sông Bạch Đằng, đánh quân Nam Hán một trận tơi bời. Năm thế kỷ sau cũng trên dòng sông ấy, danh tướng Trần Hưng Đạo đã đánh cho quân Nguyên Mông không còn manh giáp… Nước với bản chất yếu mềm nhưng lại là tác nhân vĩ đại, tạo ra cả một nền văn minh rực rỡ: văn minh nông nghiệp lúa nước. Cây lúa nước đã trở nên điển hình cho phần lớn các dân tộc châu Á nói chung và Việt Nam ta nói riêng. Làm lúa nước nên phải chăm lo đến thủy lợi. Nước cho cây lúa là yếu tố quan trọng nhất (nhất nước - nhì phân - tam cần - tứ giống). Vì nước rất cần thiết cho người làm nông nghiệp nên xuất hiện các tục cầu nước cầu mưa, các điệu múa đội nước, tục đua thuyền khuấy động nước trong những ngày lễ hội. Một linh vật của dân tộc Việt lại có nguồn gốc từ nước, đó chính là hình tượng con rồng - cội nguồn của dân tộc: Con Rồng cháu Tiên qua truyền thuyết “Lạc Long Quân, Âu Cơ và cái bọc trăm trứng”. Âu Cơ (giống tiên): “Âu” là một giống chim trời ngày nay mà từ xa xưa đã gắn liền với đời sống sông nước. Tiếng Việt còn giữ lại một thành ngữ văn chương điển hình cho biểu tượng nước: “Thưở còn trứng nước” chỉ đứa trẻ sơ sinh, có một ý nghĩa hồng hoang, khởi thủy.
2. Hình ảnh sông nước ăn sâu vào tâm khảm, đến mức nước đã trở thành những biểu tượng phổ biến trong ngôn ngữ và văn học, nghệ thuật. Nước là một danh từ chỉ chất lỏng, nhưng với người Việt, bằng phương thức hoán dụ đã chuyển “quê hương”, “tổ quốc”, “quốc gia” đồng nghĩa với chữ nước, đây là một hiện tượng hiếm thấy trên thế giới. Người Việt đã dùng từ “nước” để chỉ rất nhiều nghĩa khác nhau: nước là đất nước (nước nhà, việc nước); nước chỉ vị thế xã hội (nước lép, được nước); nước chỉ hành vi ứng xử (lên nước, xuống nước); nước chỉ cách sống của người (nước đôi, nước đời); nước chỉ cách chạy của ngựa (nước đại, nước kiệu), nước đi của cờ (nước cờ, nước bí); nước chỉ bề mặt (nước da, nước sơn)… Trong các quy luật hình thành ngôn ngữ, có một quy luật xuất phát từ các yếu tố sông nước hoặc những hoạt động trên sông nước. Các nhà nghiên cứu đã thống kê trong ca dao, dân ca Nam Bộ có đến 48 hình tượng thiên nhiên liên quan đến sông nước, xuất hiện 2.149 lần. Cũng từ nước, một tiền đề văn hóa đã cho ra đời nghệ thuật múa rối nước - một “đặc sản” nghệ thuật văn hóa làng xóm Việt Nam mà ngày nay thế giới rất hâm mộ, người Pháp trân trọng gọi nó là “Linh hồn văn hóa nông nghiệp Việt Nam”. Mặt nước từng là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca, hội họa, nhưng độc đáo hơn, người Việt đã khai thác nước là nghệ thuật. Nước làm cho con rối vô cùng sinh động, nước cũng là một “nhân vật”, là môi trường sống của rối. Nước là mầm sống nhưng cũng là mạch chết. Nó vừa có chức năng tạo dựng lại vừa có sức mạnh phá hủy. Ở người Việt, khi con người thời cổ chưa có cách gì chống lại được lũ lụt nên đối với họ thủy tai vừa đáng ghét vừa đáng sợ, họ mơ ước từ trong cộng đồng có một người tài ba có khả năng trị thủy, đem lại cuộc sống thanh bình trong cộng đồng. Câu chuyện huyền thoại Sơn Tinh Thủy Tinh là một minh chứng cho điều đó. Câu chuyện như là bức thông điệp biểu thị sự khát vọng trị thủy của nhân dân ta. Chúng ta không cam chịu mà ngày càng nghĩ ra nhiều cách hạn chế nó như trồng cây gây rừng, xây dựng hệ thống thủy lợi, mưa nhân tạo… để chống xói mòn, lũ lụt. Theo GS. Cao Xuân Huy, tinh thần lập quốc của chúng ta chính là tinh thần “nhu đạo”. Ông cho rằng, dân tộc ta có đặc tính mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động như nước. Bởi lẽ, nước khiêm tốn khi nào cũng ở chỗ thấp, nó lại rất uyển chuyển thích nghi theo những vật chứa, luôn giữ được trạng thái cân bằng. Nước có thể uốn theo đường cong, đường thẳng, chỗ lồi, chỗ lõm. Nó mềm yếu nhưng kỳ thực lại rất khỏe, nó có thể làm xói mòn những thứ cứng như sắt, đá (Nước chảy đá mòn) và cả lửa cũng không sợ. Nước có thể làm xói mạnh vào chỗ nứt, ngấm sâu vào kẽ hở để làm cho kẻ địch vỡ nát. Nước không câu nệ nơi hình thức, nó biết tự mình “Gạn đục khơi trong” và rất linh hoạt như người Việt vậy. Sự mềm dẻo, linh hoạt, uyển chuyển của người Việt được phản ánh khá rõ ở câu tục ngữ “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Quả thật, chỉ có nước mới sống được như vậy.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại